Thừa gần 14.000 căn hộ tái định cư, GĐ Sở Xây dựng nói gì?

Tại buổi giám sát trên, liên quan đến hàng chục ngàn căn hộ và nền đất tái định cư hiện nay dư thừa trong quá trình tổ chức bố trí tái định cư các dự án trên địa bàn TP.HCM, các đại biểu HĐND đề nghị Sở Xây dựng giải trình rõ vấn đề này.

Đã từng có sai lầm trong việc bố trí tái định cư

Về vấn đề tái định cư trong thời gian qua, ông Trần Trọng Tuấn cho biết trong 10 năm (2006-2017), TP.HCM đã đầu tư xây dựng và dùng ngân sách để mua lại hơn 40.000 căn hộ và nền đất tái định cư để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án. Trong đó đã bố trí hơn 26.000 căn hộ và nền đất, chiếm khoảng 65%. Còn dư gần 14.000 suất tái định cư, tương đương với 35%, chưa bố trí sử dụng, hiện Nhà nước đang quản lý.

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn giải trình về việc thừa gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư. Ảnh: VIỆT HOA

Tại sao tồn tới gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư? Ông Tuấn cho hay có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là do có sự thay đổi về chính sách pháp luật về bồi thường, tái định cư. Theo Giám đốc Sở Xây dựng, trước đây khi chính sách bồi thường, tái định cư chưa sát với giá thị trường thì gần như 100% người dân đồng ý nhận căn hộ. Có trường hợp để ở nhưng cũng có trường hợp sau khi nhận tái định cư xong, họ đã bán lấy tiền đi nơi khác sinh sống.

“Sau này khi chính sách bồi thường, tái định cư đã sát với giá thị trường thì rất nhiều người dân nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Chỉ trừ những trường hợp không đủ tiền mua nhà ở thương mại thì mới nhận căn hộ tái định cư. Điều này đã dẫn đến việc thừa căn hộ so với nhu cầu đăng ký ban đầu của người dân” - ông Tuấn nói.

Lý do thứ hai theo Sở Xây dựng là do quá trình bố trí, tái định cư chưa sát với đời sống của người dân. Có tình trạng nơi tái định cư quá xa với nơi ở cũ, có nơi thì điều kiện sinh hoạt không thuận lợi… “Tái định cư không chỉ là nơi ở mà còn là không gian sống, làm việc, đi lại, là phong tục, tập quán của người dân. Đây là bài học mà TP cũng như các sở/ngành, quận/huyện đã nhận thức được trong quá trình tổ chức tái định cư cho người dân bị giải tỏa. Đến nay, bài học này cũng đã được nhìn nhận và khắc phục” - Giám đốc Sở Xây dựng nhìn nhận.

Về việc dư thừa gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư, ông Tuấn cho biết trong số này, hiện nay TP sẽ tiếp tục giữ lại hơn 8.500 căn hộ và nền đất giao cho các quận/huyện bố trí tái định cư cho người dân bị giải tỏa trong 153 dự án TP đã và đang chuẩn bị triển khai. Số còn lại với gần 5.500 căn hộ và nền đất sẽ được bán đấu giá để thu hồi vốn thực hiện các chương trình khác.

“TP cũng đã ban hành kế hoạch bố trí tái định cư, cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong tổ chức tái định cư. Sở Xây dựng cũng tham mưu cho UBND TP đưa vào kế hoạch, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan có liên quan” - ông Tuấn nói.

Sau tái định cư dân đi đâu, chính quyền phải biết

Đó là yêu cầu của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm sau giải trình của Sở Xây dựng. Bà Tâm đồng thuận với ý kiến của giám đốc Sở Xây dựng về việc phải quan tâm đến đời sống người dân sau tái định cư.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng chính quyền TP cần nắm rõ được đời sống người dân sau khi giải tỏa, chứ không chỉ bồi thường tiền là hết trách nhiệm. Ảnh: VIỆT HOA

Theo bà Tâm, quá trình tổ chức bồi thường, giải tỏa, chính quyền TP đã tiến hành bố trí tái định cư cho dân theo các hình thức mà Sở Xây dựng đã nêu. Tuy nhiên, đời sống của người dân sau khi nhận suất tái định cư thì chưa được quan tâm đúng mức. “Nhiều trường hợp người dân sau khi giải tỏa không đủ tiền phải ra ngoại thành mua vài chục mét vuông đất nông nghiệp bằng giấy tay dựng nhà để ở. Nếu quản lý không tốt thì vừa phá vỡ quy hoạch vừa phát sinh ra những khu ổ chuột mới, thậm chí có những trường hợp lấn chiếm sông rạch để ở” - bà Tâm nói.

Chủ tịch HĐND TP đề nghị UBND TP phải tìm giải pháp để tổ chức lại cuộc sống của người dân sau tái định cư tốt hơn. Bà Tâm đã dẫn ra một kinh nghiệm đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng để thống kê và theo dõi được đời sống của người dân sau khi di dời, giải tỏa. Đó là người nhận tiền giải tỏa, khi tự lo nơi ở mới thì đều phải báo với chính quyền địa phương về phương án tạo lập nơi ở mới như thế nào. Với cách này thì Nhà nước có thể nắm được cư dân của họ đã sống thế nào sau giải tỏa.

“Còn ở mình hiện nay, sau khi bồi thường, người dân nhận tiền xong đi đâu, làm gì, sống như thế nào thì Nhà nước không nắm được. Nói đến tổ chức cuộc sống cho người dân là khái niệm dễ nói nhưng khó làm. Tuy nhiên, khó đến mấy thì cũng phải làm vì người dân đã giao lại nhà, đất của họ cho TP phát triển thì TP cũng phải chăm lo lại cuộc sống cho dân” - bà Tâm cho hay.

Bà Tâm nhấn mạnh: “Nếu làm không khéo, dù không cố ý nhưng trong quá trình giải quyết, nhiều khi cán bộ giải quyết lại thuận lợi cho quản lý nhà nước để dân đi đâu thì đi, làm gì thì làm, giao tiền xong là hết trách nhiệm. Mình phải biết họ lo nơi ở mới như thế nào, phải biết họ đi đâu, về đâu, sống như thế nào. Dù việc này rất khó nhưng phải làm được”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh: VIỆT HOA

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến ghi nhận những chỉ đạo của chủ tịch HĐND TP cùng các đại biểu. Ông Tuyến cho biết liên quan đến việc tái định cư cho người dân hiện nay với một đô thị đặc biệt như TP.HCM nhưng phải áp dụng theo khung chung mà Bộ Xây dựng nêu ra là rất khó. “Tới đây, TP.HCM sẽ xin ý kiến của Thủ tướng để cho TP được giải quyết theo chính sách đặc thù để đáp ứng tốt hơn đời sống của người dân” - ông Tuyến nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm