'Tôi thấy văn hóa công vụ có chút đặc điểm của xin-cho'

Bộ Nội vụ vừa trình Thủ tướng đề án văn hóa công vụ (VHCV). Đề án này có tham vọng xây dựng, nâng cao VHCV, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,PGS-TS Nguyễn Thu Linh, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia, nói: VHCV theo tôi là sự tự giác, tự nguyện thực thi các quy định luật pháp của công chức trong thi hành công vụ.

Có chút mùi vị “xin-cho”

. Phóng viên: Việt Nam đã từng có nền VHCV chưa? VHCV của Việt Nam hiện nay, theo bà có những đặc điểm gì?

+ PGS-TS Nguyễn Thu Linh: Nếu hiểu văn hóa là câu trả lời của cộng đồng người trước các thách đố của cuộc sống thì chắc chắn Việt Nam cũng có VHCV. Khi hoàn cảnh thay đổi, tất nhiên câu trả lời cũng sẽ thay đổi.

Ví dụ, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, VHCV là vì nước quên thân, vì dân quên mình. Có thể thấy rõ đặc điểm này vì đã có độ lùi về thời gian.

Còn khi nhìn nhận về VHCV hiện nay, Bộ Nội vụ cần lấy ý kiến đánh giá của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân. Khi xây dựng đề án VHCV, Bộ Nội vụ hình như đã bỏ qua yêu cầu này. Cá nhân tôi thấy VHCV hiện nay có chút đặc điểm của “xin-cho”. Và Chính phủ đang muốn đào thải thói xấu này.

. Thưa bà, vì sao vấn đề VHCV lại được đặt ra trong thời điểm này. phải chăng đó là một giải pháp để xóa bỏ chút đặc điểm “xin-cho” ấy?

+ Văn hóa là khái niệm rất rộng, được kết tinh, hun đúc bởi từ rất nhiều hoạt động: Chính trị, kinh tế, khoa học, giáo dục, lối sống… Vậy muốn đào thải “xin-cho” trong VHCV sẽ không thể bằng một đề án trực tiếp can thiệp vào cái được hình thành từ nhiều mặt hoạt động trong công vụ như lễ nghi, giao tiếp, kiến trúc, trong quản lý công chức, hiệu quả công vụ…

. Tức là đề án VHCV mà Bộ Nội vụ vừa trình Thủ tướng Chính phủ không phải là giải pháp cơ bản cho vấn đề này?

+ Đề án đó muốn “điều chỉnh ở tầm vĩ mô, có tính chất định hướng, ổn định, lâu dài về VHCV”. Song dự thảo không đủ tầm khái quát nên có những nội dung còn khá mơ hồ, chung chung.

Hơn nữa, qua các ví dụ về xây dựng VHCV của các nước trong đề án, chúng ta cũng thấy rằng cách thức mà chính phủ các nước muốn hình thành diện mạo của VHCV là thực thi các quy định cụ thể về các hoạt động của công vụ để cụ thể hóa, để xác định, bảo vệ giá trị VHCV mà Chính phủ mong muốn.

Thái độ lịch sự, tôn trọng với người dân là một trong những điểm thể hiện văn hóa công vụ. Ảnh: HTD

Chúng ta cần phải có những giải pháp cụ thể, mang tầm vĩ mô hơn. Chẳng hạn, ai cũng thấy xu hướng các địa phương khi xây dựng công sở trong nhiều năm nay thiên về thể hiện quyền uy với nhiều bậc thang vươn lên, công trình đồ sộ nhưng công năng kém… Nếu thể hiện triết lý: Công dân là khách hàng của nền hành chính thì kiến trúc phải thể hiện sự thân thiện, tiện dụng.

Tại sao không có “Người Việt Nam xấu xí”?

. Tôi cho rằng VHCV có mối liên hệ chặt chẽ với nền văn hóa Việt Nam nói chung. Vậy theo bà, phải xuất phát gì từ văn hóa để nền công vụ Việt Nam thực sự… có văn hóa?

+ Mối liên hệ tất yếu giữa VHCV với văn hóa dân tộc đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm như Bộ VH-TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương… chủ trì đánh giá lại văn hóa Việt Nam về điểm mạnh, điểm yếu. Đánh giá xem cần kế thừa và phát triển những giá trị nào trước yêu cầu hội nhập quốc tế.

Trong khi Trung Quốc dám khởi xướng sự đánh giá này sâu rộng trong xã hội thông qua cuốn sách Người Trung Quốc xấu xí của Bá Dương thì Việt Nam cũng chưa có được một công trình nào tương tự như thế. Trong khi nếu đọc cuốn sách trên, ta cũng thấy những thói xấu trong đó là của người Việt Nam.

. Nếu nói như bà thì Bộ Nội vụ cần phải làm nhiều việc cụ thể hơn là việc xây dựng đề án?

+ Trước mắt Bộ Nội vụ nên tập trung năng lực giám sát quy trình quản lý công chức của các cơ quan công quyền trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá công chức. Đặc biệt cần xử lý minh bạch, nghiêm túc các sai phạm và quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu các tổ chức.

Hành chính công là hệ thống thứ bậc, tầng nấc nên yêu cầu về quy trách nhiệm và xử lý sai phạm của người đứng đầu rất quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi trách nhiệm thực thi của công chức hiện còn yếu kém, kỷ luật công vụ còn lỏng lẻo. Nếu hiểu VHCV là nói đi đôi với làm, là xử lý nghiêm minh các vi phạm, là đãi ngộ dựa trên kết quả công vụ thì khắc sẽ có VHCV xứng tầm với lòng dân.

Gỡ nút thắt của việc phát triển văn hóa công vụ

. Thủ tướng gần đây cũng có nhiều phát biểu, hành động nhằm chấn chỉnh VHCV. Bà nhận xét thế nào về những động thái này?

+ Sự sắc sảo và sát sao, ngay thẳng trong chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy Thủ tướng nhìn ra vấn đề là thực lòng mong muốn thay đổi. Song bộ máy có hành động theo Thủ tướng hay không là một vấn đề đáng bàn. Có nhiều ý kiến đã cho hay hiện có thực trạng trên thì nóng dưới thì lạnh.

Chính sách dù có đúng đến đâu nhưng đội ngũ công chức thừa hành không tuân thủ thì cũng không có tác dụng thúc đẩy phát triển VHCV. Nút thắt hiện nay đang nằm ở đây.

Kinh nghiệm ấy cho thấy: Nếu chúng ta nghiêm chỉnh giám sát việc tuân thủ các quy định cụ thể đã có đối với công chức để họ tự giác, tự nguyện chấp hành, Việt Nam tự khắc sẽ có VHCV.

. Xin cám ơn bà.

Không ngắt điện thoại đột ngột

Cán bộ, công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng với người dân, lãnh đạo và đồng nghiệp; không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà khi thi hành công vụ.

Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc. Khi nói chuyện điện thoại cần điều chỉnh âm vực giọng nói của mình vừa đủ nghe, tránh nói to ảnh hưởng đến công việc của người xung quanh; không ngắt điện thoại đột ngột.

Nghiêm cấm các hành vi đánh bạc; sử dụng đồ uống có cồn trong thời gian làm việc và giờ nghỉ trưa; hút thuốc lá trong phòng làm việc; hành vi quấy rối tình dục; mê tín dị đoan.

(Trích nội dung dự thảo đề án Văn hóa công vụ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm