Để tạo ra một môi trường thân thiện nơi công quyền trong mắt dân, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến việc bồi dưỡng kỹ năng xây dựng môi trường văn hóa công sở chốn công quyền cho cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dân. Hiện nay, chúng ta chủ yếu quan tâm nhiều đến bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ. Phải làm sao để hình thành nên tâm thế trong dân rằng đến chốn công quyền là nơi mình được cán bộ phục vụ một cách tận tụy, tận tâm, tận tình chứ không phải là nơi mình phải xin xỏ, khép nép, lo sợ. Nghĩa là xây dựng một nền văn hóa công vụ thực sự, xóa dần hình ảnh bà con đến phải khúm núm, quỵ lụy trước cán bộ công quyền.
Vừa rồi khi giảng cho một lớp xây dựng văn hóa công sở cho trưởng thôn, trưởng bản ở phía Bắc, tôi có mang câu chuyện ông chủ tịch phường Bến Nghé (quận 1, TP.HCM) gửi thư chúc mừng hay chia buồn nhân những sự kiện trọng đại của người dân trên địa bàn phường.
Việc làm tuy không lớn nhưng đây là một sáng kiến hay thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với người dân, dân vui thì hòa chung niềm vui, dân buồn thì chia buồn với bà con. Đó là một cách hành xử nhân văn rất cần khuyến khích và nhân rộng. Rõ ràng qua hành động đó, người dân phường Bến Nghé thấy mình được chia sẻ và gắn kết hơn với chính quyền. Hình ảnh một ông chủ tịch và chính quyền mà ông ấy đang điều hành trong mắt dân sẽ trở nên gần gũi, thân thiện hơn.
Nền hành chính công vụ cần bắt đầu bằng những việc làm nho nhỏ như thế, hay các mô hình xây dựng nụ cười công sở mà hiện nay nhiều đơn vị đang làm chứ không phải chỉ là những lời kêu gọi, tuyên bố sáo rỗng. Điều quan trọng là nó cần phải được chăm chút một cách liên tục và dần trở thành “phản xạ” tự thân trong nhận thức của mọi cán bộ.
PGS-TS BÙI ĐỨC KHÁNG, Học viện Hành chính,
Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
TÁ LÂM ghi