Bảy năm gắn bó với công việc, anh Ngô Thanh Tú, cán bộ tư pháp-hộ tịch phường Bình An, quận 2, TP.HCM, luôn là người tiên phong trong công tác hòa giải và hỗ trợ thủ tục hành chính cho người dân.
Đưa vợ con đi chơi lễ phải vội vã trở về
Là một cán bộ tư pháp, anh Ngô Thanh Tú cho biết mỗi ngày anh đều tiếp nhận hàng đống hồ sơ từ người dân buộc phải giải quyết. Mặc dù vậy, anh và nhiều cán bộ khác vẫn cố gắng nghĩ ra thêm nhiều phương thức hỗ trợ thủ tục hành chính tại nhà để người dân hài lòng nhất. Trong nhiều năm qua, UBND phường lần lượt triển khai thực hiện các hình thức giải quyết thủ tục tại nhà cho người dân như trả hồ sơ tại nhà cho người dân, chứng thực chữ ký đối với những người đi lại khó khăn, hỗ trợ chính sách cho người lớn tuổi tại gia, đến tận nhà làm giấy khai sinh cho trẻ, hỗ trợ đăng ký khai tử hoặc báo tử tại nhà...
Phải nói rằng anh Tú luôn là người chịu khó lăn xả, cùng đồng hành với người dân ở mọi lúc mọi nơi. Rất nhiều lần anh nhận tin có người mất vào buổi chiều tối, ngày cuối tuần, thậm chí là ngày lễ. Dù là lúc nào, đang ở đâu thì anh cũng cùng mọi người có mặt tại phường ngay để sau đó đến nhà hỗ trợ người dân.
“Có hôm là đợt lễ 30-4, tôi đưa vợ con đi Suối Tiên chơi lễ thì nhận tin có người mất nên tôi lật đật đưa vợ con về nhà. Tôi gọi điện thoại trước cho người dân để tôi tới giúp bà con lo giấy tờ. Lần đó vợ con tôi cũng rầu vì đang đi chơi vui vẻ nhưng mà mình là người có thể giúp dân giải quyết được việc đó nên phải làm ngay thì mới không bứt rứt” - anh Tú chia sẻ.
Khi một đứa trẻ được sinh ra, anh lại tất tả đi lo thủ tục, chuẩn bị sẵn mọi giấy tờ để làm giấy khai sinh; hồ sơ nào của người dân có thể giải quyết linh hoạt được, anh đều tự tay làm ngay để trả tại chỗ cho dân chứ không bắt họ chờ. Với những người lớn tuổi không thể tự đi làm giấy tờ, anh lại lục tục chạy từ phường này qua phường kia để làm thay dân. Họ chỉ cần ngồi nhà, cầm tờ giấy trên tay, còn mọi quá trình thì anh tự làm hết.
Ở phường, anh cũng là người thường xuyên tiếp dân, làm công tác hòa giải nên bao nhiêu câu chuyện dở khóc dở cười anh đều nắm rõ.
Anh kể có một người dân phản ánh với anh về việc kinh doanh ồn ào của nhà hàng kế bên nhà, anh cùng đội quản lý trật tự của phường ngay giữa trưa 12 giờ chạy xuống tận nơi để kiểm tra. Nhận thấy việc kinh doanh của nhà hàng vẫn đảm bảo trật tự, anh chỉ nhắc nhở rồi báo lại với người phản ánh cụ thể sự việc. “Nhưng họ không chịu, lại bảo rằng mình có sao đó với nhà hàng nên mới nương tay.
Hơn 10 lần anh này phản ánh là hơn 10 lần tôi chạy xuống tận nơi kiểm tra nhưng đều không như anh nói. Lần cuối cùng, tôi đến thẳng nhà anh này để giải thích thì người mẹ ra mở cửa bảo rằng anh này có vấn đề về tâm lý nên bà mong tôi thông cảm” - anh kể lại.
Rồi có người dân vì không hài lòng với tiếng chuông chùa ở sát nhà cũng lên kêu anh xuống giải quyết. Có đôi vợ chồng trẻ mới cưới đòi ly hôn, anh lại là người đi giảng hòa. Cũng có cặp vợ chồng khác nhờ anh nên cả hai có được việc làm.
Cán bộ tư pháp Ngô Thanh Tú (trái) trao giấy khai sinh tại nhà cho một người dân trên địa bàn phường. Ảnh: LÊ THOA
Anh Ngô Thanh Tú (đội nón bảo hiểm) đến tận nhà ông Nguyễn Đình Thắng có người thân vừa mất để làm giấy chứng tử. Ảnh: LÊ THOA
Bị dân mắng oan
Anh Tú nói rằng ưu tiên hàng đầu của anh trong công việc là phải xử lý nhanh và linh hoạt hồ sơ cho người dân. “Sau giờ làm việc, nếu còn nhiều hồ sơ, tôi đều ngồi lại tranh thủ làm cho xong để mai còn có cái mà trả cho người dân. Tuy mệt thật nhưng khi trả được hồ sơ cho dân là tôi thấy nhẹ nhõm” - anh tâm tình.
Thế nhưng cái tâm của một người cán bộ, sự tận tình của anh cũng không tránh khỏi những rủi ro. Hàng trăm người đến phường mỗi ngày, không phải ai cũng hiểu áp lực làm việc quá tải ở anh.
“Nhiều lúc tôi nghĩ cũng buồn lắm. Hồ sơ của họ bị thiếu, tôi hướng dẫn cặn kẽ để bổ sung cho đủ, họ lại quay ra bảo tôi gây khó dễ. Như vừa rồi là trường hợp một người đến xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Người này ở tỉnh vài năm rồi chuyển lên thành phố ở quận Tân Bình, rồi chuyển qua quận Bình Thạnh, sau đó mới chuyển về phường. Tôi giải thích cho họ thủ tục cần thiết, những bước cần phải làm, theo quy định mới thì buộc phải làm thủ tục xác nhận chứ không phải tờ cam đoan như trước nữa. Họ không chịu mà cứ nói rằng tôi gây cản trở, hành dân chứ không giúp dân giải quyết công việc. Có trường hợp khác thì người dân khăng khăng “trước đây đâu có bắt làm vậy mà giờ kêu làm, chỉ được cái gây khó cho dân”. Thậm chí có người còn hăm dọa sẽ tìm cách để tôi bị đuổi việc với nhiều lời lẽ nặng nề” - anh Tú ngậm ngùi kể lại.
“Cũng có nhiều người nông dân chân lấm tay bùn đến tìm mình, mà họ lại có tâm lý cán bộ là quan nên tỏ ra sợ sệt, khúm núm. Nhìn họ thấy thương lắm, họ không biết gì nên mới tìm đến, nhờ mình hướng dẫn. Lúc đó tôi vỡ ra được nhiều thứ, người dân họ cần mới tìm mình. Trong mọi việc, mình làm sao để dân với mình có thể hiểu, tìm được sự đồng cảm lẫn nhau thì sẽ ổn hết” - anh Tú tự nhắc nhở mình.
Tấm chân tình mộc mạc của dân
Anh Tú tâm sự rằng nhiều lúc công việc ở phường làm anh lâm vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi và chán nản. Nhưng anh thừa nhận chính sự ấm áp, tình cảm của nhiều người dân là niềm khích lệ để anh từ bỏ suy nghĩ thôi việc. “Làm nhiều năm, tôi nhận ra có cô chú thương mình như con cháu trong nhà. Họ cũng hay góp ý rồi động viên tôi” - anh chia sẻ.
Anh Tú kể năm 2015, có một người dân viết thư gửi cho lãnh đạo phường nhờ chuyển lời cảm ơn đến anh. “Lúc đó tôi thật sự bất ngờ khi nhận được lá thư. Họ gặp khó trong việc giải quyết thủ tục, nhiều lần rồi vẫn không làm được nên đến hỏi tôi. Tôi hướng dẫn cụ thể rồi sau đó họ báo đã hoàn tất hồ sơ đầy đủ. Chỉ vậy thôi nhưng họ lại viết thư cám ơn. Đọc thư, tôi rất xúc động rồi tự dặn mình phải lấy đó làm động lực mà làm tốt công việc hiện tại” - anh chia sẻ.
Có một người dân khác quê ở Long An được anh Tú giúp làm hộ khẩu thường trú ở thành phố. Cứ mỗi lần về thăm quê, cô lại mang nào là cam, chanh do cô tự tay trồng làm quà biếu anh.
Anh còn kể thêm nếu không có sự đùm bọc của người dân thì vợ anh đã không có được cái quán để bán nước như bây giờ. “Tôi mướn mặt bằng để vợ đứng bán quán kiếm thêm thu nhập nuôi con, bởi đồng lương công chức eo hẹp. May nhờ có mấy cô chú thương tình, cho mướn với giá rẻ rồi còn nhiệt tình phụ giúp cho quán. Cái quán được như bây giờ là nhờ cô chú nhiều lắm. Không gì bằng tấm lòng của người dân” - anh cảm kích.
Tự trang bị kỹ năng mềm để tiếp dân Anh Ngô Thanh Tú cho hay cái khó của một người cán bộ phường như anh là làm sao để có thể trò chuyện, giao tiếp với người dân mà không khiến họ hiểu lầm ý của mình. Thậm chí còn phải nắm bắt tâm lý của người dân ngay lúc mới gặp. “Mình cần phải biết rõ thái độ của người dân để biết lúc nào thì cần mềm mỏng, lúc nào phải cứng rắn. Phải biết nắm bắt tình huống và ứng xử khéo léo. Có người dân gặp chuyện bức xúc ở một chỗ nào khác rồi sau đó đến chỗ mình làm thủ tục. Nếu tinh ý bắt được cảm xúc trên gương mặt của họ thì mình sẽ biết nói năng như thế nào để làm dịu đi sự bực tức của họ, chẳng hạn tôi hỏi han về cuộc sống của họ để họ thấy mình được quan tâm” - anh Tú chia sẻ. Để có thái độ nhã nhặn, lịch thiệp với người dân, anh Tú cho biết anh tự tìm hiểu rồi học hỏi cũng như tham gia các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp. |