Chiều 1-6, tại trụ sở UBND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh này, đã thông tin chi tiết về đợt rà soát để tinh gọn biên chế, bộ máy ngành giáo dục tỉnh. “Đầu tuần này, thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh đã họp thống nhất giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương rà soát toàn bộ những vấn đề về lao động, biên chế trong ngành giáo dục. Mục tiêu đặt ra là phải tinh gọn biên chế, lao động, bộ máy ngành giáo dục ở mức hợp lý nhất, hiệu quả nhất” - ông Hải thông tin.
Số phận 264 GV sẽ về đâu?
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết giữa tháng 5, Sở GD&ĐT cùng các ngành chức năng đã báo cáo tình hình thiếu kinh phí mua sắm, sửa chữa trường lớp, giáo viên (GV) thừa, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ông Hải đã chỉ đạo cho chấm dứt hợp đồng lao động ngay đối với 264 GV; gom mấy trăm điểm trường lẻ về điểm chính; điều chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu; cho nghỉ chính sách với số GV, lao động dôi dư, sắp xếp lại trường lớp...
Thông tin trên gây nhiều chú ý về sự nỗ lực giảm biên chế của tỉnh Cà Mau trong ngành giáo dục và cũng tạo ra những quan ngại về một số lượng lớn GV sẽ mất việc. Báo Pháp Luật TP.HCM đã đề nghị được phỏng vấn chủ tịch tỉnh Cà Mau về các vấn đề trên. Tuy nhiên, tỉnh đã tổ chức buổi gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về vấn đề này.
Qua buổi làm việc, chủ tịch tỉnh và các sở GD&ĐT, Tài chính, Nội vụ đã thông tin chi tiết và giải đáp nhiều câu hỏi của các phóng viên. Trước quan ngại về một số lượng lớn GV mất việc, ông Hải khẳng định sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết bố trí việc làm mới thông qua các chương trình giải quyết việc làm. “Ngoài việc xem xét bố trí việc làm khác trong ngành giáo dục, chúng tôi còn có các chương trình việc làm khác như xuất khẩu lao động, đào tạo lại để bổ sung cho ngành học mầm non (đang thiếu hơn 400 GV)” - ông Hải cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đang nói về vụ 264 GV sắp mất việc. Ảnh: TRẦN VŨ
Ông Đoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính, thông tin: So với định mức GV do Bộ GD&ĐT quy định thì Cà Mau cần có gần 12.000 GV. Nhưng thực tế hiện Cà Mau đang có hơn 13.000 GV, thừa trên 1.000 GV. Ông Khơi nói: “Đó là con số thừa trên lý thuyết. Thực tế thì phải rà soát mới xác định được, bởi đặc điểm của Cà Mau vùng sông nước, có rất nhiều điểm trường lẻ, ít học sinh mà phải tốn GV. Trước mắt đã xác định được có 264 GV hợp đồng phải kết thúc hợp đồng ngay như chủ tịch đã chỉ đạo. Và hiện Sở GD&ĐT cùng các ngành chức năng đang tiến hành rà soát để tiếp tục giảm biên chế, bố trí sắp xếp lại cho hợp lý, tinh gọn nhất”.
Theo ông Khởi, do GV thừa nhiều nên ngân sách cho giáo dục thời gian qua chủ yếu tập trung cho việc trả lương GV. Kinh phí cho mua sắm, sửa chữa trường lớp vì vậy mà thiếu hụt khá lớn. “Trong nhiều năm qua, tỉnh luôn bố trí ngân sách cho giáo dục năm sau cao hơn năm trước; như năm học 2017-2018, ngoài nguồn do trung ương rót, Cà Mau đã bố trí cho giáo dục thêm 221 tỉ đồng mà vẫn thiếu hụt” - ông Khởi nói.
Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu làm không xong
Các ngành chức năng và chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng đã thống nhất nhận định nguyên nhân của mọi thiếu hụt về kinh phí của ngành giáo dục Cà Mau là do thừa GV, do bố trí chưa hợp lý, nơi thừa nơi thiếu, nơi chia nhỏ học sinh để phát sinh nhiều lớp học... Từ đó, tỉnh nhất thiết phải thực hiện một cuộc rà soát, sắp xếp lại trong toàn ngành như Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải đã chỉ đạo.
Trả lời câu hỏi của PV báo Pháp Luật TP.HCM về tính khả thi của đợt rà soát này, Chủ tịch Nguyễn Tiến Hải nói: “Thật ra thì trước đây, từ năm năm trước, mà cao điểm là khoảng ba năm trước, đích thân tôi đã từng chỉ đạo làm như hôm nay. Tuy nhiên, các địa phương đã không quyết tâm, quyết liệt nên tồn tại đến ngày nay. Từ đó mà thường trực tỉnh ủy và UBND tỉnh đã thống nhất lần này sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu các huyện, thành phố”.
Ông Hải cho biết tuần tới ông sẽ mời bí thư và chủ tịch tất cả huyện, thành phố trong tỉnh về họp, giao rõ trách nhiệm. Mỗi đơn vị phải có kế hoạch cụ thể rà soát, bố trí, sắp xếp lại hợp lý trường lớp, tinh gọn bộ máy, lao động, GV. “Tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra nơi nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng kế hoạch, còn tình trạng bộ máy cồng kềnh, không hiệu quả, thừa GV thì người đứng đầu huyện, thành phố đó bị xử lý trách nhiệm” - ông Hải nói.