Đây là những biểu hiện tâm lý đáng lo ngại của học sinh xuất hiện trong nghiên cứu của học sinh trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh về đề tài: “Thực trạng và giải pháp cho hội chứng Nomophobia nỗi sợ hãi khi không có điện thoại bên cạnh”. Đề tài trên đã lọt vào vòng chung kết cấp thành phố cuộc thi nghiên cứu khoa học.
Nhóm tác giả đang thuyết trình về đề tài của mình với một em học sinh. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG.
Sáng ngày 8-1, tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi khoa học – kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2018-2019.
Tại vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu về Hội chứng Nomophobia - hội chứng sợ hãi khi thiếu điện thoại được học sinh của trường THPT Trần Khai Nguyên và trường THPT Trần Văn Giàu cùng tham gia nghiên cứu. Bởi đây là vấn đề mà giới trẻ đang gặp phải trong thời đại công nghệ 4.0.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện đề tài trên, em Trần Thị Hà My, trường THPT Trần Văn Giàu, đại diện cho nhóm tác giả cho biết điều này xuất phát từ thực tế tại trường. “Dù trường em đã cấm việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhưng hầu hết các bạn học sinh đều lén sử dụng. Và khi bị thầy cô bắt gặp, thay vì xin lỗi thì các bạn van xin bằng mọi cách để được giáo viên trả điện thoại. Nếu không có điện thoại bên cạnh, các bạn thấy bứt rứt, bồn chồn, khó chịu thậm chí không thể chịu đựng được và tìm mọi cách để có thể sử dụng lại. Đây là một vấn đề đáng báo động”, Hà My nói.
Sau khi tìm ra nguyên nhân dẫn đến hội chứng trên, Hà My cùng với cộng sự của mình đã đưa ra những giải pháp để giảm bớt tình trạng trên như tham gia hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa…Chính vì thế, đề tài nghiên cứu của các em đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều khách tham quan tại cuộc thi.
Cuộc thi do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức hàng năm nhằm chọn ra những đề tài nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất đại diện TPHCM tham gia tranh tài tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học trên cả nước.
Được phát động từ tháng 8-2018, cuộc thi năm nay có 617 đề tài nghiên cứu khoa học tham gia với 251 đề tài THCS và 366 đề tài trung học phổ thông. Trải qua vòng sơ loại, 102 đề tài nghiên cứu xuất sắc nhất tiếp tục tranh tài tại vòng chung kết nhằm chọn ra 33 đề tài dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Bên cạnh các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (21 đề tài), THPT Gia Định (12 đề tài) thì năm nay có sự góp mặt của các đơn vị mới như: THCS Quan Trung Gò Vấp, THPT Tân Túc.
Đề cập đến cuộc thi, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM đánh giá: “Nhìn chung đề tài của các em nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu, gắn với thực tế. Các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, tìm hiểu và giải quyết các vấn đề xã hội gần gũi lứa tuổi, gắn với thực tế tại TPHCM. Không chỉ nghiên cứu, chính các em cũng bắt đầu liên hệ các nhà sản xuất để sản phẩm của mình được ứng dụng vào đời sống. Cũng từ sân chơi này, nhiều em đã có định hướng cho tương lai của mình. Cuộc thi cũng là nơi các em gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau để học tập, giao lưu, chia sẻ niềm đam mê nghiên cứu khoa học”.