Áp lực học tập, thi cử, điểm số đã khiến học sinh (HS) cảm thấy mệt mỏi khi phải tới trường. Đề tài “Thiếu ngủ của HS” và “Giảm thiểu áp lực học đường” đã thu hút sự quan tâm của nhiều thầy cô cũng như HS có mặt tại vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp TP, diễn ra vào sáng 4-1 tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Áp lực học tập
Chia sẻ về đề tài “Khảo sát và đề xuất biện pháp giảm thiểu áp lực học đường cho HS THPT”, em Lưu Niệm Nguyên, HS lớp 11 chuyên tin, Trường chuyên Lê Hồng Phong, cho biết đây là vấn đề đáng báo động hiện nay.
Từng trò chuyện với ThS Phạm Thị Bích Phượng, giáo viên tâm lý Trường Marie Curie (quận 3, TP.HCM), em Nguyên cho biết đã lắng nghe được nhiều câu chuyện về tình trạng trên. Nghiêm cũng là HS trường chuyên nên bản thân em luôn phải chịu áp lực. Vì thế, em muốn thực hiện đề tài này để vừa tìm giải pháp cho bản thân đồng thời cũng là cho các bạn.
Để thực hiện đề tài, em và bạn Nguyễn Lê Thùy Trang đã làm 700 phiếu khảo sát cho HS ở một số trường THPT. Kết quả cho thấy có đến 50% các bạn HS chịu áp lực từ mức độ nhẹ tới nặng. Áp lực đến từ bài vở, giáo viên, gia đình và bản thân chính các bạn. Chính những áp lực đó đã khiến các bạn mệt mỏi, lo lắng, tâm trạng thay đổi thất thường, điểm số thất thường và mất ngủ thường xuyên.
Từ đó, hai em đã tìm ra những giải pháp để góp phần giảm nhẹ tình trạng trên như tạo ra một cẩm nang động lực. Cẩm nang giống như cuốn sách bỏ túi, giúp HS suy nghĩ một cách tích cực và tự tin. Nó bao gồm châm ngôn, thể thao, ăn uống và một số liệu pháp tinh thần. Đồng thời, các em còn tạo ra một diễn đàn, đây là nơi để các bạn chia sẻ những áp lực của mình một cách bí mật. Chỉ sau ba tuần hoạt động, diễn đàn đã thu hút khá nhiều người cùng tham gia. “Tuy nhiên, chúng em đã quyết định tạm dừng diễn đàn. Bởi vì bản thân thấy chưa có đủ kinh nghiệm để chia sẻ cho các bạn. Chúng em đang tìm những nhà tâm lý để xin được giúp đỡ, chia sẻ. Bao giờ có chuyên gia hỗ trợ, chúng em sẽ khởi động lại diễn đàn” - Thùy Trang nói thêm.
Các tác giả đề tài “Vấn đề thiếu ngủ…” đang giới thiệu với các bạn học sinh về bộ ảnh “Hãy cho em ngủ”. Ảnh: NQ
“Một ngày em chỉ ngủ 5 tiếng”
Đề tài “Vấn đề thiếu ngủ của HS THPT ở TP.HCM” của em Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy, HS lớp 12 chuyên toán, Trường THPT Gia Định, thu hút sự quan tâm đặc biệt của mọi người.
Chia sẻ về lý do thực hiện đề tài này, em Trần Thùy Trang cho biết em đang là HS lớp 12, áp lực của việc học khiến em thường xuyên mất ngủ. Và đây là tình trạng chung của tất cả các bạn. Tới trường, gương mặt bạn nào cũng bơ phờ, mệt mỏi vì phải chạy đua với việc học. Thời khóa biểu kín mít từ sáng đến chiều, tối lại đi học thêm đến 9-10 giờ. Về nhà lại tiếp tục làm bài tập đến khuya, sau đó 6 giờ sáng phải dậy đi học.
90% HS cho rằng thiếu ngủ do chuẩn bị cho kỳ thi; 89,4% mất ngủ do có bài kiểm tra vào hôm sau; 86,8% do phải làm bài tập, học bài và cuối cùng 62,1% do thời khóa biểu chưa hợp lý. (Kết quả khảo sát từ đề tài “Vấn đề thiếu ngủ của HS THPT ở TP.HCM”) |
Em Phạm Ngọc Khánh Vy, thành viên nghiên cứu đề tài, cho biết thêm: Để thực hiện đề tài trên, nhóm đã tiến hành làm phiếu khảo sát 7.363 HS. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 10 HS thì có tám HS gặp khó khăn trong việc tập trung trên lớp do ảnh hưởng từ thiếu ngủ. Và có đến 44,1% HS không dành thời gian để ngủ trưa. Áp lực học tập, kiểm tra và thi cử là nguyên nhân hàng đầu gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu ngủ ở HS.
Từ việc khảo sát thực tế, hai em đã soạn thảo cuốn cẩm nang Đời dài đừng ngủ ngắn với mục đích để mọi người hiểu về vai trò của giấc ngủ, từ đó điều tiết các hoạt động của mình và có bí quyết để có được giấc ngủ ngon. Đặc biệt, nhóm còn xây dựng bộ ảnh “Hãy cho em ngủ” như một tiếng nói giúp các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo biết được tình trạng thiếu ngủ của HS hiện nay.
Là giáo viên hướng dẫn, thầy Nguyễn Hoàng Minh Đăng chia sẻ: “Tôi hướng dẫn các em làm đề tài này để góp thêm một tiếng nói khiến cộng đồng quan tâm một cách đúng mức vấn đề trên. Và tôi cũng hy vọng bộ sách giáo khoa mới với chương trình được cải tiến sẽ giúp HS không cảm thấy áp lực quá với việc học”.
Chăm chú tìm hiểu vào những nội dung của đề tài, đặc biệt thích thú với bộ ảnh “Hãy cho em ngủ” của các chị khóa trên, em Hà Nhật Nam, HS lớp 11 chuyên toán của Trường THPT Gia Định, nói: “Hiện em luôn trong tình trạng thiếu ngủ, một ngày chỉ ngủ được năm tiếng. Do em đang là HS thuộc đội tuyển của trường nên em phải ôn luyện liên tục, phải học suốt đêm. Em chỉ mong trường lùi thời gian vào học, tăng giờ ngủ trưa để HS có thêm thời gian nghỉ ngơi” - Nhật Nam nói.
Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên. Cuộc thi tiếp tục phát triển cả về số lượng đơn vị tham gia lẫn sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ hơn 600 sản phẩm dự thi của các em HS đến từ các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, ban tổ chức đã chọn ra 95 đề tài tham dự vào vòng chung kết. Các sản phẩm năm nay có chất lượng cao vì được sự hỗ trợ của các thầy cô, bên cạnh đó HS cũng chăm chút và đầu tư nhiều. Ban giám khảo đến từ các trường đại học, các viện khoa học tại TP.HCM sẽ chọn ra 27 đề tài tốt nhất để tham dự cuộc thi cấp quốc gia vào tháng 3-2018. Ông NGUYỄN VĂN HIẾU,Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM |