Đó là hai HS Phan Thanh Nhật Trang (lớp 12 chuyên Anh) và Lý Trần A Khương (lớp 12 chuyên văn) của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Được biết đề tài xuất phát từ chính em Trang khi còn học lớp 10 và 11 đã từng trải qua sang chấn tâm lý khá nặng và bị trầm cảm.
Theo Trang, bị trầm cảm là do em đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, áp lực thành tích học tập rất lớn. Cạnh đó, xung quanh em lại quá nhiều bạn giỏi và thành công khiến một thời gian khá dài em thấy u buồn, chán nản, mất niềm tin... Từ đó, ngoài việc điều trị bằng tâm lý, Trang đã tự tìm hiểu triệu chứng này qua sách vở để hiểu về bệnh này và cố gắng tự điều chỉnh bản thân bằng tâm lý, thay đổi sinh hoạt hoặc tăng tập luyện thể dục... Dần dần tình trạng tâm lý của em tốt trở lại.
“Tụi em muốn thực hiện đề tài này nhằm mang đến cho mọi người thêm hiểu biết về trầm cảm, sớm phát hiện và có thể tự cố gắng để vượt qua khi thấy dấu hiệu bị bệnh, tránh được hậu quả từ trầm cảm để lại” - Trang nói.
Theo Trang và Khương, để thực hiện đề tài này, hai em đã khảo sát 863 HS từ lớp 10 đến lớp 12 trên địa bàn TP về đánh giá nhanh sức khỏe học đường. Đối tượng khảo sát bao gồm cả HS khối chuyên và HS khối thường. Đa số HS được khảo sát đều có học lực khá và giỏi.
Đáng nói, khi được hỏi về sự hứng thú trong học tập, trên dưới 90% HS được hỏi đều cho rằng việc học gây áp lực, thậm chí áp lực nặng nề. Chỉ một tỉ lệ nhỏ cảm thấy thích thú với việc học. Đơn cử trong số hơn 600 HS trường chuyên thì chỉ 100 HS thường xuyên có hứng thú học tập, còn lại là thỉnh thoảng hoặc không bao giờ có hứng thú.
Cũng theo kết quả khảo sát này, tỉ lệ HS có dấu hiệu trầm cảm là 26,41% với nhiều biểu hiện như chán ghét bản thân, cảm thấy buồn phiền, cảm giác thất bại mọi nơi, mất định hướng tương lai, thất vọng, không hứng thú với mọi việc, thường xuyên có cảm giác tội lỗi, hay khó chịu... Trong đó, HS khối chuyên có dấu hiệu này cao gấp gần ba lần so với khối THPT thường.
Từ khảo sát, hai em cho rằng những dấu hiệu trầm cảm ở HS tại TP rất cần được quan tâm và can thiệp kịp thời từ phía nhà trường cũng như gia đình. Nguyên nhân một phần do áp lực học, nhất là ở trường chuyên quá lớn, cha mẹ kỳ vọng nhiều, căng thẳng khi đối phó nhiều kỳ thi cử, kiểm tra.
“Nếu chờ thay đổi từ chương trình và thi cử từ cấp quản lý sẽ rất lâu. Vậy tại sao chính các bạn không chủ động thay đổi từ bản thân mình, phải trang bị những kiến thức về trầm cảm, nhận biết và phải tự kiểm soát chính bản thân mình về sức khỏe, tâm lý, tinh thần để tránh những tiêu cực do nó gây ra. Nhà trường cũng nên tăng cường các hoạt động thể chất, ngoại khóa, hoạt động cộng đồng, điều chỉnh thời gian học tập... để HS được học thoải mái và tốt hơn” - A Khương mong mỏi.
Các HS đang trình bày cho khách tham quan về đề tài của mình tại chung kết.
Hai HS trình bày cho ban giám khảo về đề tài của mình.
Được biết cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học cấp TP năm học 2016-2017 toàn TP có 37 đề tài tham dự chung kết. Đây là những đề tài tiêu biểu được chọn lọc từ hơn 600 đề tài của 148 trường THCS và THPT trên địa bàn TP. Trong đó, trường có số đề tài lọt vào chung kết nhiều nhất là THPT Gia Định với 11 đề tài, kế đến là THPT chuyên Lê Hồng Phong với năm đề tài và THPT Lương Thế Vinh có ba đề tài...
Ngoài những đề tài xã hội, cuộc thi năm nay còn có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao như Chế tạo rô bốt cứu hỏa và khảo sát địa hình (Trường TH-THCS-THPT Hòa Bình), Găng tay chuyển ngữ và đề tài hộp đen hỗ trợ cứu nạn (THPT chuyên Lê Hồng Phong), máy rót nước thông minh (THPT Gia Định)...
Nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao Các đề tài năm nay mang tính ứng dụng cao, bám sát những vấn đề từ thực tiễn, gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là gần với các lĩnh vực phát triển mũi nhọn của TP như tự động hóa, kỹ thuật, công nghệ… Ngoài ra, cũng có một số đề tài mang tính chất kế thừa trên cơ sở tìm hiểu thông tin năm trước, HS đã đánh giá lại và phát triển bài bản hơn, cụ thể hơn... Cũng có những đề tài có thể chỉ là những ý tưởng ban đầu, những mô hình nhỏ nhưng ban giám khảo đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của các em chứ không nặng về đầu tư kỹ thuật và vật chất cho đề tài. Cuộc thi được tổ chức thường niên nhằm khuyến khích HS trung học nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Từ đây sẽ góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, phương pháp đánh giá kết quả và nâng cao năng lực của HS trong nhà trường. Từ đây, những đề tài xuất sắc nhất sẽ được chọn để dự thi cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ông PHẠM NGỌC TIẾN, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học của Sở GD&ĐT TP.HCM |