Khi cha nóng giận đánh nát bàn tay của con

Người cha mua chiếc ô tô mới. Ông yêu xe đến nỗi ngày nào cũng lau, thằng con thấy cha vậy cũng lau theo. Rồi bất chợt nó thấy viên gạch vỡ trên nền. Nó bèn lấy viên gạch và vẽ lên thành xe. Người cha thấy thế tức giận, đánh con. Trong cơn nóng giận, ông đã lấy chiếc cờ lê đánh nát bàn tay con mình. Tới bệnh viện, bác sĩ cho biết chỉ còn cách tháo rời các ngón tay.

Đó là câu chuyện được ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, đại diện Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, đưa ra tại buổi hội thảo - tập huấn “Về nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho người học” diễn ra vào sáng 20-12 tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, TP.HCM.

Ông Trịnh Vinh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, chia sẻ quan điểm của mình tại buổi hội thảo.

Cũng theo ông Vương, do nóng giận, người cha đã nhẫn tâm đánh nát bàn tay con mình. Như vậy có thể thấy gia đình tan vỡ, cha mẹ bỏ nhau, con cái bơ vơ cũng từ cơn nóng giận mà ra. Kẻ thù của bạo lực gia đình chính từ cơn nóng giận của cha mẹ.

Vì vậy tại Đà Nẵng, khi thực hiện đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020 của Bộ GD&ĐT, nội dung trên được các trường đưa ra trao đổi tại các buổi chuyên đề để học sinh nắm rõ. Bên cạnh đó, những câu chuyện thực tế luôn được kể để các em hiểu.

“Chúng tôi luôn dạy các em về trách nhiệm của mình trong gia đình là phải góp phần kìm nén cơn nóng giận của bố mẹ. Vì bố mẹ nào cũng thương con, chỉ cần con biết cách thì sẽ làm giảm nhẹ cơn lửa lòng của bố mẹ. Như vậy tiếng nói, nụ cười lại trở lại với gia đình” - ông Vương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp, cho biết muốn làm tốt công tác giáo dục trên, vấn đề quan trọng cần có một chương trình được đầu tư một cách nghiêm túc. Hiện nay nội dung giáo dục gia đình đã được đưa vào chương trình giáo dục công dân nhưng còn khô cứng, các chuyện kể chưa chạm đến trái tim của người học. Hơn nữa, nội dung chưa đồng bộ giữa các cấp. Vì thế, ông Thanh cho biết cần phải xây dựng thống nhất đồng bộ chương trình từ mẫu giáo cho đến đại học.

Ông Thanh cho biết thêm, hiện đội ngũ giáo viên dạy giáo dục công dân ở nước ta chưa chuẩn. Có nơi lấy giáo viên thiếu nghĩa vụ, dạy bất cứ bộ môn gì để dạy giáo dục công dân. Còn có nơi tuyển đúng giáo viên giáo dục công dân nhưng rất ít người truyền được cảm hứng tới học sinh. 

Vì thế, công tác đào tạo đội ngũ bộ môn giáo dục công dân ở trường đại học cần chú trọng. Muốn làm tốt vấn đề này cần phải có sự phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh. Ngoài giáo dục ở nhà trường thì giáo dục trong gia đình cũng rất quan trọng. Cha mẹ phải là tấm gương để học sinh noi theo.

Đề cập vấn đề trên, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho biết phía Bộ nhận thức được chương trình giáo dục đạo đức và giáo dục công dân chưa phù hợp với thực tiễn. Bộ đang thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông mới, đến năm 2021 sẽ triển khai chính thức các nhà trường.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ nghiên cứu làm sao để xây dựng chương trình giáo dục công dân xuyên suốt các bậc học và đảm bảo hiệu quả dạy đạo đức tốt hơn. Đồng thời Bộ cũng quy hoạch lại đội ngũ cán bộ, đặc biệt giáo viên phổ thông, nhất là đội ngũ giáo viên dạy giáo dục công dân. Phải làm sao bồi dưỡng, đào tạo để họ có thể phù hợp với chương trình phổ thông mới.

Ông Bá cho biết thêm: Trong thời gian này, chúng tôi đang làm một bộ tài liệu tham khảo cho các nhà trường. Dự kiến bộ tài liệu sẽ gồm bốn phần. Phần một là những cụm kiến thức pháp luật về gia đình, liên quan luật hôn nhân, Luật Trẻ em. Phần hai là những vấn đề về quan hệ gia đình, quyền và nghĩa vụ của thành viên trong gia đình. Phần ba, nêu lên các hình thức bạo lực gia đình và nguyên nhân của nó. Và cuối cùng, kỹ năng xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm