Đắk Lắk: Bé trai năm tháng tuổi nghi nhiễm não mô cầu

Sau khi tiếp nhận báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về trường hợp ca bệnh của bé trai LAP (năm tháng tuổi, trú xã Cư San, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) nghi nhiễm não mô cầu, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiến hành cách ly bệnh nhân.

Gia đình đang chăm sóc cháu P.

Trung tâm Y tế huyện Krông Bông xử lý môi trường tại khu vực trẻ đến lưu trú. Tiến hành điều tra tại xã Cư San, huyện M’Đrắk nơi trẻ sinh sống. Lập danh sách những người tiếp xúc với trẻ để theo dõi và cho uống kháng sinh dự phòng. Đồng thời lấy mẫu tử ban và dịch ngoáy họng gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm.
ThS-BS Lê Đình Nhân, Phó Trưởng khoa HSCC Nhi-Nhi sơ sinh, BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Vào lúc 9 giờ ngày 8-3, khoa có tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt li bì, toàn thân xuất hiện nhiều vết tử ban, có hiện tượng co giật, phổi bị tổn thương.
Sau khi nhập viện, bé trai được chẩn đoán viêm phổi nặng - nhiễm trùng huyết nghi do não mô cầu, được cho thở ôxy, dùng kháng sinh đặc trị, tiến hành cách ly. Người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân cũng được uống thuốc kháng sinh dự phòng.
Ông Lý Sèo Măng (cha cháu bé) cho biết trước đó vào tối 7-3, bé P. có biểu hiện sốt cao, nổi ban trên da, trẻ được người nhà đưa đến nhà ông Hoàng Seo Dình (thôn Ea Lưới, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) ở lại. Đến sáng hôm sau thì cháu bé bỏ bú, khó thở được người nhà đưa đến BV huyện Krông Bông cấp cứu rồi được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
BS Nhân cho biết bệnh não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh, bệnh nhân có thể rơi vào sốc nhiễm khuẩn với tỉ lệ tử vong rất cao. Nếu gây viêm não thì tỉ lệ di chứng nặng nề. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, ho, hắt hơi của bệnh nhân. Những trường hợp cấp tính bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ 3-6 tuổi.
BS Nhân khuyến cáo để phòng bệnh mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, chủ động tiêm ngừa vaccine cho trẻ. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm