Tiếp viên hàng không chết không rõ nguyên nhân

Mấy ngày qua, xuất hiện bài viết trên trang http://wakeitup.net với tựa đề: Chiến dịch công lý cho Toàn - Đi tìm sự thật về cái chết bí ẩn của chàng tiếp viên hàng không 28 tuổi.

Trang web kêu gọi bộ trưởng Y tế và Thanh tra Bộ Y tế vào cuộc để tìm nguyên nhân cái chết của Dương Châu Toàn. Thông tin này sau đó được nhiều Facebook cá nhân chia sẻ.

Toàn luôn hồn nhiên và được bạn bè yêu mến. Ảnh: INTERNET

Đau lòng

Pháp Luật TP.HCM đã liên hệ với đại diện gia đình Toàn và được người chị thông tin: Sáng 6-1 trên đường ra sân bay, Toàn đến đoạn Cộng Hòa - Trường Chinh do tránh xe phía trước Toàn đã thắng xe và tự té, bị vết thương hở mắt cá trong chân trái nên tự đón taxi vào BV Thống Nhất cấp cứu.

Kết quả chụp CT không thấy chấn thương nhưng thấy đầu gối lỏng lẻo, bác sĩ (BS) chẩn đoán có khả năng đứt dây chằng nên cho nẹp dây thun, kê thuốc uống về nhà và dặn dò quay lại nếu chân sưng. Tối đó về nhà chân Toàn sưng phù, sáng hôm sau trở lại BV thì BS kết luận đứt dây chằng mâm chày trái. Toàn được khám và cho về uống thuốc, dặn 10-15 ngày tới sẽ mổ.

Ngày 18-1, gia đình đưa Toàn trở lại BV và được chỉ định mổ. 17 giờ cùng ngày, Toàn được mổ. Hơn 7 giờ sau, Toàn được đẩy ra phòng hậu phẫu. “BS Khắc Quang cho gia đình biết phương pháp mổ nội soi gây tê tủy sống và ca mổ rất thành công, thời gian gấp ba lần các ca khác. Dây chằng của Toàn không bị đứt mà móc nối hoác ra, phải làm thủ công nên lâu” - người nhà Toàn thuật lại.

Hơn 3 giờ sáng 19-1, Toàn than đau, gia đình đi kêu điều dưỡng. Khoảng 4 giờ, điều dưỡng đến tiêm thuốc giảm đau Mobic. Sau tiêm, Toàn đòi đi tiểu, kêu khát nước. Nhưng chỉ một lát sau Toàn lấy tay chỉ vào háng, bậm môi vì không còn nói được nữa. Sau đó Toàn co giật, sùi bọt mép, điều dưỡng liền lấy muỗng inox đưa vào miệng Toàn để khỏi cắn lưỡi. Các BS hô hấp nhân tạo cho Toàn nhưng không cứu được nữa…

Không tìm được nguyên nhân

Theo gia đình Toàn, trong hồ sơ ghi Toàn bị tim tiềm ẩn không rõ nguyên nhân. Gia đình không đồng ý điều này do Toàn là tiếp viên hàng không được kiểm tra sức khỏe rất kỹ cách đó khoảng ba tháng ở Hà Nội. Hơn nữa trước lúc mổ thì phải kiểm tra tim.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất, cho biết đã gặp và giải thích đầy đủ cho gia đình, sau khi kiểm tra thuốc, đường tiêm… thì BV đã làm đúng quy trình. BV đã họp hội đồng hội chẩn nhiều lần nhưng không tìm được nguyên nhân gì từ diễn biến bất thường của bệnh nhân. Biểu hiện của bệnh nhân không giống sốc thuốc, cũng không có chứng cứ gì để khẳng định do cái gì chắc chắn cả!

Chiều 24-2, BV Thống Nhất đã phát đi thông cáo gửi các cơ quan báo chí. Trong đó có nêu: “… Mặc dù đã nỗ lực hết sức bằng các biện pháp nghiệp vụ, song cái chết của bệnh nhân Dương Châu Toàn là trường hợp vô cùng đáng tiếc. Trước hết, BV Thống Nhất xin nhận trách nhiệm về rủi ro này và sẽ tổ chức kiểm điểm để rút kinh nghiệm về mặt chuyên môn cũng như y đức để tránh tối đa những sự cố sau này, đồng thời xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân (nếu có để xảy ra sai sót). Trong ngành y, có những trường hợp xảy ra mà không bao giờ những người làm ngành y nói chung và BV Thống Nhất nói riêng mong muốn, như trường hợp của bệnh nhân Dương Châu Toàn. BV Thống Nhất rất mong nhận được sự thông cảm và mong nhận được những ý kiến đóng góp thiện chí của các cơ quan báo chí để phục vụ tốt hơn trong hoạt động khám và chữa bệnh”.

BV Thống Nhất phải có câu trả lời rõ ràng

Ngày 24-2, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi BV Thống Nhất đề nghị giám đốc BV này “khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn xác minh nguyên nhân dẫn tới tử vong; trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tham gia trong quá trình chẩn đoán, điều trị cho người bệnh Dương Châu Toàn”.

Văn bản của Cục yêu cầu BV xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành (nếu có sai phạm) và “công khai thông tin và kết quả xác minh, xử lý cho cơ quan báo chí”.

Văn bản do Cục trưởng Lương Ngọc Khuê ký cũng yêu cầu BV Thống Nhất báo cáo kết quả về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 4-3-2016 để Cục tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng trong trường hợp này hội đồng chuyên môn BV Thống Nhất phải họp và có câu trả lời rõ ràng. BV phải kiểm điểm nghiêm túc và công khai các vấn đề đã triển khai rằng cái gì đúng, cái gì chưa đúng, cái nào là bất khả kháng cần các nhà khoa học tiếp tục giải thích. Ít nhất là do sốc hay không tiên lượng được thì cũng phải nêu rõ.

Đ.MINH - D.TÍNH

Tiêu điểm

Y khoa là một ngành khoa học mà cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Có rất nhiều hiện tượng xảy ra nằm ngoài tầm hiểu biết của khoa học hiện thời. Cho nên việc BV Thống Nhất chưa tìm được nguyên nhân xảy ra cơn co giật, mặc dù đã tổ chức hội chẩn với những chuyên gia về các lĩnh vực liên quan ở TP, là điều có thể hiểu được đối với những người trong ngành y.

Cơn co giật của Toàn xảy ra sau khi chích thuốc Mobic hơn hai giờ, sau khi dùng các thuốc khác hơn bốn giờ. Rất ít khả năng cơn co giật này là do thuốc gây ra. Ngoài ra, theo như biểu hiện được mô tả lại, cơn gồng cứng rồi co giật, mạch chậm, huyết áp tụt… rồi ngưng tim là biểu hiện kết hợp giữa những dấu hiệu của nhiều loại nguyên nhân khác nhau. Rất khó giải thích theo bất cứ hướng nào.

BS VÕ XUÂN SƠN, Phòng khám quốc tế EXSON

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.