1. Chọn Calisto là một cái duyên
Sau thất bại năm 2007, ông Alfred Riedl ra đi để lại cho bóng đá Việt Nam khoảng trống lớn. Một lần nữa những nhà điều hành ở VFF lại tính chuyện tìm thầy ngoại và cái tên Calisto hoàn toàn nằm ngoài tính toán. Gần 100 đơn xin việc lẫn giới thiệu được gửi đến nhưng VFF lúng túng không biết chọn ai bởi còn lệ thuộc lớn vào tiền lương.
Cũng thời điểm đấy, có người điện thoại cho ông Calisto hỏi vì sao không gửi đơn ứng cử. Vị HLV người Bồ Đào Nha nói thẳng: “Tôi từng huấn luyện đội tuyển Việt Nam có thành tích ở AFF Cup 2002, VFF biết rất rõ năng lực của tôi nên nếu cần họ sẽ liên lạc với ông Võ Quốc Thắng và tôi”.
Từ VFF cũng có những cuộc điện thoại cho ông Võ Quốc Thắng. Một, hai, ba rồi… mười cú điện thoại trao đổi. Cuối cùng, ông Thắng lên tiếng: “Vì đội tuyển quốc gia, vì bóng đá Việt Nam, tôi sẵn sàng để ông ấy tham gia đội tuyển. Mà lưu ý là lần này mời thì VFF phải dùng thái độ tôn trọng ông ấy nhé!”.
HLV Calisto được các em nhỏ mến mộ tại AFF Cup 2008. Ảnh: QUANG THẮNG
Sống lâu với bóng đá Việt Nam, ông Calisto thừa hiểu một đội bóng mạnh chưa chắc đã là đội chiến thắng, bởi có 1.001 thứ chen vào làm đội bóng yếu đi. Kinh nghiệm này ông thu hoạch từ chính đồng nghiệp Alfred Riedl khi để cầu thủ cùng dây túm tụm lại với nhau và bàn mưu tính kế ở SEA Games 2005 tại Bacolod.
Bữa ăn đầu tiên với đội tuyển, ông Calisto cố tình xuống trễ và nhìn các mâm cơm rồi lắc đầu nói: “Đây là đội tuyển, là một gia đình hay là mâm cơm của từng CLB? Sao bàn này là của riêng Hà Nội, còn bàn này của Đồng Tâm Long An, rồi bàn này của Bình Dương. Để tôi sắp xếp lại cho có không khí gia đình nhé...”. Thế rồi ông đảo hết các vị trí, không để cầu thủ của các CLB ngồi thành nhóm, chung mâm với nhau. Sau bữa ăn đấy, ông còn sắp lại cả phòng ngủ. Ông tách Tài Em với Minh Phương ra, đưa Quang Thanh vào. Bắt Việt Thắng “làm bạn” với Phước Tứ, cho Lương “dị” cùng phòng với một cầu thủ miền Nam…
Sau này, ông tâm sự rằng người ta nói chia để trị còn ông thì muốn xóa đi vách ngăn ở câu lạc bộ khi lên tuyển, đồng thời để cầu thủ tự quản lý lẫn nhau.
Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam lên đỉnh Đông Nam Á sau chiến thắng Thái Lan ở hai lượt trận chung kết. Ảnh: QUANG THẮNG
Ông Calisto rất thân thiện với báo giới. Rõ nhất là ở AFF Cup 2002 ông còn rủ các phóng viên đến với các tuyển thủ, rồi tối tối vẫn mời họ xuống bar uống rượu và chia sẻ các câu chuyện.
Nhưng đến AFF Suzuki Cup 2008, ông Calisto bỗng quay lưng với truyền thông. Ông đề nghị phỏng vấn phải có nơi, có chỗ và cấm hẳn phóng viên tác nghiệp tại các buổi tập chiến thuật. Sau này ông tâm sự rằng chính một trợ lý đã mở cho ông xem những trang web phân tích rất kỹ về đội tuyển Việt Nam cứ như họ có mật thám cắm trong đội tuyển vậy. Ông tự tìm hiểu thêm và biết được báo chí lẫn HLV các đội cứ dịch báo Việt Nam ra là có đủ thông tin về đội tuyển. Thậm chí họ biết cả từng sở thích hay nỗi sợ hoặc chuyện khó ăn, khó ngủ của cầu thủ mình…
Nhìn ra được sự nguy hiểm đó, ông buộc phải nói không với báo chí. Ông chia sẻ rằng quyết định đấy có thể khiến ông mích lòng với nhiều phóng viên rất thân. Nhưng ông xác định mình làm vì cái chung và để cứu đội tuyển sau chuỗi trận đá hoài mà không thắng cùng nguy cơ bị loại.
Sau chức vô địch, toàn đội đã gặp gỡ và giao lưu với các em nhỏ bất hạnh mắc bệnh hiểm nghèo. Đội trưởng Minh Phương đang chia sẻ với các em. Ảnh: BÁ CHÂU
4. Làm sao để cầu thủ Việt Nam không sợ Thái Lan?
Sau chiến thắng trước Singapore và di chuyển đến Bangkok đá chung kết lượt đi với Thái Lan, HLV Calisto đọc được suy nghĩ sợ Thái Lan của nhiều cầu thủ. Ông đến phòng từng cầu thủ tâm sự và hỏi họ nghĩ thế nào về Thái Lan. Sau khi nghe trình bày, ông hỏi các cầu thủ có tin ông không. Họ nói tin và ông tiếp tục: “Nếu các bạn tin tôi thì hãy đặt niềm tin lớn hơn vào sự chờ đợi của hơn 80 triệu dân Việt Nam hướng về các bạn!”.
Trước trận chung kết, từ dưới phòng chờ trước khi ra sân, nhiều cầu thủ lo lắng khi nghe các âm thanh rền vang ở thánh địa Rajamangala của người Thái. Thoáng thấy các cầu thủ của mình có bất ổn về tâm lý, ông Calisto lên đầu hàng và hất hàm hỏi các cầu thủ: “Các anh nhìn họ và sợ à? Họ cũng chỉ có hai chân, có một cái đầu như chúng ta. Sao không nghĩ chính họ mới sợ thua trên sân nhà bởi chúng ta từng thắng đương kim vô địch giải ngay trên sân đối phương? Các bạn hãy ra sân và thể hiện cho họ biết chúng ta sẵn sàng vô địch!”.
Và trận đấu đấy lần lượt Vũ Phong rồi Công Vinh xé lưới Thái Lan khiến khán đài sân Rajamangala im bặt. Lần đầu các cầu thủ Việt Nam khiến người Thái phải sợ sệt.
5. Thắng Thái nhưng cúp đâu?
Sau chiến thắng 2-1 trước Thái Lan ở lượt đi, từ trưởng đoàn đến các trợ lý và cầu thủ reo hò ăn mừng khi về khách sạn. Thấy mọi người phấn khích, ông Calisto bước sang hất hàm hỏi: “Các bạn thắng Thái và ăn mừng vô địch hả? Vậy thì cúp đâu? Mang cúp ra đây cho tôi ăn mừng cùng các bạn. Còn một trận tại Mỹ Đình nữa và hãy nghĩ đến 90 phút quyết định đấy!”. Lập tức cả đội tan hàng, bỏ dở màn ăn mừng thắng Thái ở lượt đi.