1 bản án liên quan đến tội tham ô được đề xuất làm án lệ

(PLO)- Bản án xác định hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước nên hành vi tráo hàng, chiếm đoạt tiền hàng của chủ không cấu thành tội tham ô tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cụm thi đua số 3 TAND TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo Áp dụng và phát triển án lệ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã phản biện, góp ý đối với 8 đề xuất án lệ đến từ các tòa án thuộc Cụm thi đua số 3 gồm TAND quận 7, TAND quận Bình Tân, TAND quận 12, TAND quận Gò Vấp, TAND quận Tân Phú.

tham-o-tai-san-ban-chu-toa.jpg
Ban chủ trì hội thảo. Ảnh: YC

Từ 8 đề xuất án lệ trên, 2 bản án đã được lựa chọn để tiếp tục đề xuất lên TAND Tối cao để phát triển thành án lệ; trong đó có Bản án số 284/2023/HS-ST ngày 30-11-2023 của TAND quận Gò Vấp.

Nhân viên tiệm cầm đồ chiếm đoạt tiền của chủ

Nội dung vụ án như sau: H là nhân viên của tiệm cầm đồ do bà D làm chủ. H được bà D giao quản lý toàn bộ việc cầm cố và quản lý cửa hàng. Bà D không thường xuyên có mặt tại cửa hàng mà chỉ quản lý qua sổ sách.

Khi khách hàng đến cầm cố thì H chỉ chụp hình tài sản cầm cố cho bà D để định giá trị cầm cố; còn thủ tục hợp đồng và thực hiện giao dịch trả tiền, nhận tiền là do H tự thực hiện. Hàng ngày, bà D đưa cho H số tiền 50 triệu đồng để H thực hiện việc cầm đồ; đến cuối ngày nếu còn 20 triệu đồng thì bà D sẽ đưa thêm. Đối với khách hàng đến chuộc đồ đã cầm thì H tự thực hiện mà không cần hỏi ý kiến của bà D.

Đến ngày 30-9-2021, bà D kiểm kê tài sản tại cửa hàng và phát hiện H đã chiếm đoạt khoảng 120,5 triệu đồng nên trình báo công an.

Quá trình điều tra xác định, trong quá trình làm việc, H thấy bà D tin tưởng giao quản lý tài sản và tiền dùng để cầm đồ cho khách hàng lỏng lẻo nên H nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của bà D. Do đó, H đã nhiều lần dùng thủ đoạn như lập khống hợp đồng cầm tài sản, mua điện thoại Trung Quốc thay thế... để chiếm đoạt hơn 136 triệu đồng của bà D.

VKSND quận Gò Vấp truy tố H về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm c khoản 2 Điều 175 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp đã tuyên phạt H 3 năm tù.

Nội dung và lý do đề xuất

TAND quận Gò Vấp đã đề xuất chọn nội dung sau làm án lệ: Tiệm cầm đồ được đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh do cá nhân là bà D đăng ký. Theo quy định pháp luật hiện hành thì hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp, mà do Nghị định 01/2021 quy định.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 352 BLHS. Do đó, hành vi của H không thuộc trường hợp cấu thành của tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 BLHS.

Thuyết minh cho đề xuất của mình, đại diện TAND quận Gò Vấp cho rằng bản án đã xác định người phạm tội có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trong hộ kinh doanh, không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản quy định tại Điều 352 BLHS.

Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước?

Lý giải về sự cần thiết phát triển nội dung trong Bản án số 284/2023/HS-ST ngày 30-11-2023 thành án lệ, TAND quận 7 cho rằng hộ kinh doanh có phải là đối tượng điều chỉnh của tội tham ô tài sản hay không hiện nay đang có 2 quan điểm.

Quan điểm thứ nhất là hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước nên không thuộc trường hợp quy định tại Điều 352 BLHS. Quan điểm thứ hai là hộ kinh doanh là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước nên thuộc trường hợp quy định tại Điều 352 BLHS.

Cạnh đó, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật xác định hộ kinh doanh có thuộc trường hợp quy định tại Điều 352 BLHS hay không.

Phản biện, đại diện TAND quận Bình Tân đồng ý với đề xuất của TAND quận Gò Vấp. Bởi lẽ chủ thể của tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 74 BLDS 2015; khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020; khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020; khoản 9, 10 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì hộ kinh doanh không phải là cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Vì vậy, theo TAND quận Bình Tân, người phạm tội được giao trách nhiệm quản lý tài sản từ chủ hộ kinh doanh và đã có hành vi lợi dụng việc quản lý tài sản này để chiếm đoạt tài sản không phải là chủ thể của tội tham ô tài sản. Hay nói cách khác, các quy định trên đã loại trừ người được giao trách nhiệm quản lý tài sản hộ kinh doanh là chủ thể của tội tham ô tài sản.

Cần điều chỉnh vấn đề pháp lý

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng về nội dung vụ án, cách giải quyết và phần nhận định của bản án có thể được sử dụng để làm án lệ. Bản án đã có hiệu lực, phần lập luận được lựa chọn làm án lệ tốt, đáp ứng được các tiêu chí của án lệ.

Tuy nhiên, vấn đề pháp lý mà TAND quận Gò Vấp đề xuất là chưa sát với nội dung bản án. Có thể dễ dàng nhận thấy đề xuất án lệ là về xác định tội danh tham ô tài sản nhưng bản án này xét xử bị cáo về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo TS Hồng, khoản 6 Điều 353 BLHS (tội tham ô tài sản) quy định hành vi tham ô tài sản ở các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của điều luật này. Mục tiêu đề xuất án lệ của TAND quận Gò Vấp có thể hiểu là tuy người phạm tội được giao chức vụ, quyền hạn để quản lý tiền nhưng chỉ là tiền của hộ kinh doanh cá thể nên chưa đủ dấu hiệu để xác định đó là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước nên không áp dụng tội tham ô tài sản.

Vì vậy, theo bà Hồng, cần điều chỉnh vấn đề pháp lý để phù hợp hơn với nội dung bản án. Vấn đề pháp lý có thể chọn là "không xác định hành vi tham ô tài sản của người được giao trách nhiệm quản lý của hộ kinh doanh hoặc xác định phạm vi của doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước theo khoản 6 Điều 353 BLHS".

Cũng theo bà Hồng, tham nhũng trong khu vực tư là vấn đề mới được quy định trong BLHS 2015. Khi áp dụng trên thực tế cũng đang còn nhiều lúng túng trong việc xác định người có chức vụ quyền hạn là người như thế nào; doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước là bao gồm những đơn vị nào? Cho nên việc lựa chọn bản án này để đề xuất thành án lệ cũng phần nào giải quyết được việc đó. Đây cũng là nội dung có thể bổ sung về lý giải sự cần thiết để phát triển bản án này thành án lệ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm