1 tỷ đồng trở lên, gửi ngân hàng nào lãi cao nhất?

(PLO)- Đã có ít nhất 16 ngân hàng tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm sau một khoảng thời gian dài tiền rất rẻ. Nhưng cuộc đua lãi suất này chỉ có thể rõ nét sau 2-3 tháng tới.

Sau khi lãi suất huy động giảm sâu năm 2023, những tháng đầu năm, nhất là tháng 4 vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi. Điểm danh đến lúc này đã có ít nhất 16 ngân hàng như vậy: HDBank, MSB, Eximbank, NCB, Bac A Bank, GPBank, OceanBank, BVBank, PVComBank, CBBank, BIDV, TPBank, VPBank, KienLong Bank, ACB.

Việc ngân hàng nâng lãi suất huy động có thể họ đã tìm được đầu ra tốt cho tín dụng vì vậy cần thêm nguồn tiền, chuyên gia nhận định.

Quay trở lại mốc lãi suất huy động 6%

Đáng nói là cuộc đua lãi suất này có vẻ đã lan cả tới ngân hàng thuộc nhóm Big4. Như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), đến hôm 2-5, đã nâng lãi suất với khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên với khách hàng cá nhân, ở thời hạn 12 tháng, lên mức 4,7%/năm.

Tại một vài ngân hàng cá biệt, khách VIP đã được nhân viên đề nghị sẽ nâng lãi suất thêm từ 0,2 đến 0,3% với điều kiện khách gửi từ 5 tỷ trở lên, kỳ hạn 12 tháng và không rút trước hạn. Còn với khoản 1 tỷ trở lên, lãi suất áp dụng với khách hàng VIP gửi 12 tháng không rút trước hạn được ngân hàng chào ở mức 5,2%.

Thống kê lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng. Nguồn: CafeF

Nhân viên ngân hàng thậm chí còn tư vấn khi rút trước hạn, lãi suất vay lại của ngân hàng sẽ chỉ tính bằng đúng lãi suất tiền gửi trước đó.

Chẳng hạn, khách hàng gửi vào ngân hàng A số tiền là 5 tỷ thời hạn 12 tháng theo chương trình lãi suất ưu đãi, nhưng đột nhiên cần gấp 1 tỷ, ngân hàng có thể cho khách vay 1 tỷ đó với lãi suất đúng bằng lãi suất khi ngân hàng huy động, như vậy khách hàng hoàn toàn không chịu thiệt gì.

Dù vậy, mức chào ấy chưa thể cạnh tranh OceanBank, khi ngân hàng này đang tăng lãi suất mạnh nhất tại tất cả các kỳ hạn với mức tăng trung bình từ 0,1-0,9%/năm. Theo cách ấy, ngành ngân hàng bắt đầu ghi nhận mốc lãi suất trên 6%/năm quay trở lại khi gửi tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng ở OceanBank, người được hưởng lãi suất 6,1%/năm, không phân biệt giá trị khoản tiền gửi.

Lãi suất ngân hàng đã chạm đáy thì ắt phải dâng?

Tại Đại hội Cổ đông MB hôm 19-4, Chủ tịch MB đã nhận định: "Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm".

Còn ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB thì đưa ra dự báo với cổ đông rằng rằng lãi suất 2024 này sẽ nhích lên dần theo từng quý, tuy nhiên mức tăng qua các quý không cao.

Dù vậy, không phải ngân hàng thương mại nào cũng chắc chắn tham gia cuộc đua. Tại Đại hội Cổ đông ngày 20-4, CEO Techcombank, ông Jens Lottner, cho biết ngân hàng này sẽ không bị kéo vào cuộc chạy đua nâng lãi suất tiền gửi như các ngân hàng khác. Lý do có thể đến từ thế mạnh tệp khách hàng của ngân hàng này, giúp giữ vị trí đầu về tiền gửi không kỳ hạn (CASA).

Xu thế sẽ rõ nét sau 2-3 tháng tới

Nhận định về diễn biến của lãi suất tiền gửi, chuyên gia kinh tế - tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy, ông Nguyễn Đức Hùng Linh nhận xét việc tăng lãi suất huy động ở các thương mại đang ở mức khác nhau, trong khoảng từ 0.1% - 0.5% giá trị tiền gửi và kỳ hạn. Nhóm Big4 (ngân hàng thương mại nhà nước) gần như đứng yên.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh

“Điều chỉnh cục bộ là do trạng thái thanh khoản của từng ngân hàng đó. Chẳng hạn, việc cho vay tốt hơn, tăng trưởng tín dụng mạnh hơn thì họ phải nâng lãi suất tiền gửi để tăng huy động”, ông Linh nói và đồng thời nhấn mạnh, trạng thái thanh khoản chung của toàn hệ thống ngân hàng hiện vẫn ổn định.

Về một số ý kiến cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng thương mại có nguyên nhân từ việc tăng lãi suất liên ngân hàng, ông Linh cho rằng lập luận ấy không chính xác. Bởi sát đợt nghỉ lễ dài như cuối tháng 4 thì các ngân hàng có xu hướng hạn chế bơm nguồn lên hệ thống liên ngân hàng, giữ trạng thái để đảm bảo tỷ lệ an toàn.

Về dài hạn, chuyên gia này cho rằng lãi suất tiền gửi diễn biến ra sao phụ thuộc vào chính sách của nhà điều hành và thanh khoản hệ thống.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang giữ lãi suất chính sách thấp. Áp lực tỷ giá có thể tới đây sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước cân nhắc việc điều chỉnh lãi suất để neo tỷ giá.

Về nguyên tắc, tín dụng đi theo tăng trưởng kinh tế. Nếu kinh tế sôi động hơn như dự báo thì cầu tín dụng sẽ tăng nhanh dẫn đến các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để có nguồn tiền. "Xu thế tăng lãi suất sẽ đặc biệt rõ ràng trong vòng khoảng từ 2-3 tháng tới" - ông Nguyễn Đức Hùng Linh nói.

Nhận định này cũng được chia sẻ bởi quỹ Dragon Capital. Trong báo cáo mới đây, tổ chức này dự báo lãi suất tiết kiệm có thể sẽ tăng 0,3 - 0,5% trong các tháng tới. Họ cho rằng, đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới