Chủ tịch nước vừa ký lệnh công bố Luật Báo chí, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017.
10 hành vi nghiêm cấm trong hoạt động báo chí
Cụ thể, Luật mới quy định rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí và những vi phạm sẽ bị rút giấy phép hoạt động.
Theo đó, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí gồm: Đăng, phát thông tin chống Nhà nước (gồm: xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân; bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; gây chiến tranh tâm lý); đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
Nghiêm cấm đăng thông tin gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; gây chia rẽ tôn giáo; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ;
Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc;
Tiết lộ các thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, cũng nghiêm cấm báo chí đăng thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội;
Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác;
Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án;
Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;
In, phát hành và truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.
Những hành vi cấm đăng, phát thông tin về phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc và chống phá nhà nước đều đã có quy định tại Bộ Luật hình sự năm 2015 với mức phạt từ sáu tháng lên đến 20 năm tù tùy mức độ phạm tội. |
Luật Báo chí mới đã bổ sung quy định xử lý đối với những vi phạm này. Cụ thể, cơ quan báo chí sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí khi đăng, phát thông tin có nội dung quy định nghiêm cấm trên mà gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, tổng biên tập, phó tổng biên tập, nhà báo, phóng viên... có hành vi vi phạm các quy định tại luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cũng bị xử lý thu hồi thẻ nhà báo, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp cơ quan báo chí gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ngoài việc bị xử phạt như trên còn phải công khai xin lỗi, cải chính trên báo và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Luật Báo chí mới yêu cầu cơ quan báo chí phải đăng ý kiến phản hồi của cơ quan, tổ chức cá nhân. Trường hợp không nhất trí với ý kiền phản hồi thì vẫn phải đăng, phát ý kiến phản hồi đó và có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình. Sau ba lần đăng, phát ý kiền phản hồi mà vẫn không có sự nhất trí giữa các bên thì cơ quan báo chí có quyền ngừng đăng, phát thông tin của bên có liên quan.
Cơ quan báo chí có quyền từ chối đăng, phát ý kiến phản hồi nếu ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm uy tín cơ quan báo chí, danh dự nhân phẩm tác giả viết bài.
Về cải chính và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, luật Báo chí mới đã bổ sung một số quy định về cải chính: ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát. Các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại cải chính, lỗi của cơ quan báo chí vi phạm. Luật cũng quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí.
Bảo đảm bí mật nguồn thông tin
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, luật mới đã quy định: cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Viện trưởng VKSND, chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên phải có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
Ngoài ra, nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm của nhà báo, Luật Báo chí mới còn bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Theo đó, quy định Hội Nhà báo Việt Nam phải có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp khi gây hậu quả nghiêm trọng.