Tại phiên họp của UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội ngày 19-11, Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai, cho biết theo dự báo, kinh tế trong nước năm 2023 cũng như TP sẽ tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.
"Những thách thức đó mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, đột ngột, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội" - bà Mai đánh giá.
Giám đốc Sở KH&ĐT TP nhìn nhận những yếu tố tác động đến gồm sự biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất, đà phục hồi tiêu dùng trong nước; thị trường bị đứt gãy chuỗi cung ứng, nhu cầu từ những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng như TP.HCM có dấu hiệu suy yếu...
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp. Ảnh: HÀ KHÁNH |
Từ thực tế nêu trên, phía Sở KH&ĐT đề xuất chủ đề năm 2023 của TP.HCM là: “Phát huy hiệu quả chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế”.
Sở này cũng đưa ra 19 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 để thúc đẩy kinh tế TP phát triển. Trong đó, có năm chỉ tiêu về kinh tế, sáu chỉ tiêu về xã hội, năm chỉ tiêu về môi trường- đô thị, hai chỉ tiêu về cải cách hành chính, một chỉ tiêu về trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt, Sở KH&ĐT đưa ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) trên 8%. “Mục tiêu đề ra là rất khó khăn, chúng ta cần rất nỗ lực để thực hiện” - bà Mai nhấn mạnh và đưa ra 10 giải pháp để thúc đẩy kinh tế TP khởi sắc hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, TP cần chủ động, linh hoạt trong điều hành kinh tế xã hội, thích ứng với tình hình trong nước và quốc tế. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch của TP, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế đặc thù. Xây dựng tốt mô hình chính quyền đô thị.
Cùng đó là tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh đầu tư công, đẩy nhanh các dự án trọng điểm của TP. Triển khai chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực, nhất là dịch vụ du lịch- thương mại. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, xây dựng đô thị thông minh.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn đất đai, tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường. Đồng thời chú trọng phát triển đồng bộ lĩnh vực văn hóa, môi trường... Đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu từng sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương cần rà lại nhiệm vụ trên địa bàn còn vướng mắc ở điểm nào để tháo gỡ. Ảnh: HÀ KHÁNH |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết hiện TP.HCM mới giải ngân đầu tư công được khoảng 31%. TP sẽ tiếp tục rà soát lại những vấn đề tồn tại. Bên cạnh đó, từng sở, ngành, chủ đầu tư và địa phương cần rà lại nhiệm vụ trên địa bàn còn vướng mắc ở điểm nào để tháo gỡ.
"Khi các nguồn vốn khác bị tắc thì vốn đầu tư công rất có ý nghĩa. Chúng ta cần quan tâm, quyết liệt hơn trong vấn đề này"- ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh và yêu cầu tập trung quyết liệt các giải pháp để giải ngân đầu tư công đạt kết quả cao nhất.
Chủ tịch TP cũng cho hay từ nay đến cuối năm và cả năm 2023, TP đặt trọng tâm là trách nhiệm hành chính của từng cơ quan, trách nhiệm công vụ của từng tập thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công việc và tạo ra dư địa phát triển.
"Tình hình hiện tại có khó khăn nhưng còn dư địa để phát triển. Một trong những dư địa đó là tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, thúc đẩy các công việc" - ông Mãi nói.
14/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Cũng tại phiên họp, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong 19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 theo Nghị quyết 117 của HĐND TP, dự kiến có 14 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Có hai chỉ tiêu dự kiến không đạt là về nhà ở xã hội và số phòng học trên một vạn dân. Ngoài ra, có ba chỉ tiêu chưa có cơ sở tính toán và đánh giá.
Điểm qua bức tranh chung của năm 2022, Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay kinh tế TP nổi lên những khó khăn về tình hình chứng khoán, bất động sản, khan hiếm xăng dầu, tỉ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp, việc triển khai công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ…
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành dù có cải thiện nhưng vẫn còn chậm, trao đổi chuyên môn giữa các sở ngành cũng chưa đạt yêu cầu.
Cũng theo bà Mai, các kế hoạch về đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; các chương trình giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, môi trường được triển khai nhưng chưa hiệu quả.
Các đơn vị tự chủ tài chính giảm nguồn thu, các cơ sở y tế không đủ kinh phí để chi thu nhập tăng thêm cho nhân viên. Cùng đó là khó khăn về tài chính, ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị...