Thiên nhiên luôn ẩn chứa vô vàn điều kỳ diệu. Bên cạnh sự xuất hiện của những loài sinh vật độc đáo là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú.
Những hiện tượng ánh sáng độc đáo dưới đây được tổng hợp bởi Time hẳn sẽ khiến không ít bạn ngỡ như mình đang lạc vào chốn thiên đường.
1. Bãi biển phát sáng Mudhdhoo (Vaadhoo), Maldives
Khi đến Mudhdhoo, quốc đảo Maldives - hẳn bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp độc đáo có 1-0-2 của bãi biển biết phát sáng nơi đây. Hiện tượng sóng biển có màu dạ quang xanh này xảy ra do sự phát sáng của một số loại sinh vật phù du - tảo biển - sống lơ lửng trong nước biển.
Loài tảo biển này ban ngày phát ra ánh sáng màu đỏ và cũng chính là nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ khi chúng nở hoa rầm rộ với số lượng lớn. Ban đêm, chúng lại phát ra ánh sáng neon màu xanh, chuyển động trong nước biển và gây ra hiện tượng nêu trên.
2. Hẻm núi Antelope, Arizona
Tọa lạc trên vùng đất Navajo (thuộc tiểu bang Arizona, Tây Nam nước Mỹ), hẻm núi Antelope cấu tạo gồm nhiều lớp địa chất khác nhau, chủ yếu là sa thạch và đá vôi.
Tuy nhiên, khi Mặt trời chiếu ánh nắng chói chang xuyên qua các khe núi, hẻm Antelope mới thực sự hiện nguyên vẻ đẹp kiêu sa của mình. Màu đỏ, cam của đá vôi hòa với màu ánh tím của sa thạch tạo nên khung cảnh tuyệt vời.
3. Lỗ hổng Getu Arch, thung lũng Getu, Trung Quốc
Hiện tượng ánh sáng đi xuyên qua một lỗ hổng khổng lồ trên núi đá vôi này đã thu hút vô số nhiếp ảnh gia. Nhiều người hoài nghi tính chân thực của những tấm ảnh này và cho rằng đó là tác phẩm của photoshop.
Tuy nhiên, không ít người dân khẳng định rằng, hình ảnh này có thật, xuất hiện vào buổi sáng khi Mặt trời mọc và kéo dài khoảng 30 phút.
Thác "lửa" tự nhiên thường xảy ra vào nửa hai tuần cuối tháng 2. Khi hoàng hôn buông xuống, Mặt trời chiếu rọi vào dòng nước đổ xuống vách đá tạo, khiến dòng nước như biến thành màu đỏ.
Nhìn từ xa, thác Horsetail giống như đang đổ lửa xuống dưới chân núi. Nhưng thực chất đây chỉ là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời lên dòng nước mà thôi.
5. Ánh sáng cực quang ở Vườn Quốc gia Jasper Alberta
Cực quang được đánh giá là một trong những hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất trên hành tinh, là sự "sáng tạo tuyệt vời" giữa Mặt trời và Trái đất.
Hiện tượng này được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió Mặt trời với tầng khí quyển bên trên của hành tinh. Khi mùa đông đến, thời tiết khô, bầu trời quang đãng là điều kiện thích hợp để hiện tượng này xuất hiện.
6. Quả cầu lửa Naga trên sông Mê Kông
Vào mùa thu, sông Mê Kông sẽ có sự xuất hiện của những quả cầu lửa bật từ dưới dòng sông lên và phát nổ trong không khí. Hiện tượng này được biết đến với tên gọi là "bung fai Paya nak" hay "quả cầu lửa Naga" - xuất hiện vào cuối thu, lúc trăng tròn, cuối mùa chay của Phật giáo.
Người dân Mê Kông gắn hiện tượng này với câu chuyện truyền thuyết tâm linh. Theo các chuyên gia khoa học, đây là hiện tượng bong bóng khí metan dưới mặt sông hoặc quá trình khí phosphine dễ cháy nằm sâu dưới mặt sông.
7. Hang động xanh, Capri, Ý
Ánh sáng từ bên ngoài luồn vào hang động xanh ở Tây Bắc đảo Capri thuộc Ý tạo hiệu ứng ánh sáng qua làn nước xanh và phản chiếu từ vách hang đã thắp sáng tận sâu bên trong lòng hang.
Đi sâu vào hang, bạn sẽ phải ngẩn ngơ trước vũ điệu sắc màu tươi sáng trên làn nước óng ánh trong vắt nơi đây.
8. Bão Everlasting - sông Catalumbo, Venezuela
Với số lần đánh 280/giờ/ngày, 160 đêm/năm, bão Everlasting trên sông Catalumbo được mệnh danh là máy phát điện lớn nhất thế giới ở tầng đối lưu.
Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ và độ ẩm đã đi qua vùng đồng bằng, tích điện tích với những đám mây bay cao tới 5km. Sau khi bay qua nhiều vùng sông, núi, cơn bão sẽ dừng lại và kết thúc chuyến hành trình của mình. Vào tháng 1/2014, hiện tượng này đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness với số lần sét đánh là 250 lần/km2.
9. Quả cầu "ma trơi" ở Na Uy
Được biết đến với tên gọi "hiện tượng Hessdalen", các quả cầu "ma trơi" có thể to tới kích thước của xe hơi và thậm chí thu hút sự chú ý của các thợ săn UFO. Một vài trong số những quả cầu ánh sáng kỳ lạ đó trôi nổi nhẹ nhàng qua bầu trời suốt gần 2 tiếng, trong khi số còn lại lập lòe ánh sáng trắng hoặc xanh dương, dịch chuyển rất nhanh qua thung lũng và biến mất trong vòng vài giây.
Theo các chuyên gia thuộc ĐH Bologna, các bong bóng khí ion hóa đã hình thành khi hơi lưu huỳnh từ sông Hesja phản ứng với không khí ẩm ướt của thung lũng. Các đặc điểm địa chất học cũng tạo nên những vệt trường điện từ trong thung lũng, giúp lí giải tại sao các quả cầu ánh sáng lại di chuyển đây đó.
10. Hoàng hôn ngoạn mục ở Manhattanhenge
Hoàng hôn Manhattanhenge đôi khi còn được gọi là điểm chí Manhattan - thực ra là một hiện tượng tự nhiên xuất hiện giữa năm ở New York.
Hiện tượng này diễn ra khi Mặt trời lặn nằm thẳng hàng với các tuyến phố Đông - Tây thuộc mạng lưới đường phố chính tại các quận Mahattan thuộc thành phố New York.
Thuật ngữ “Manhattanhenge” có nguồn gốc từ Stonehenge - những tảng đá cổ đại ở nước Anh mà Mặt trời cũng nằm thẳng hàng với các tảng đá trên các điểm chí (bao gồm Đông chí và Hạ chí) tương tự như vậy.
11. Hang động đom đóm Waitomo, New Zealand
Hang động đom đóm Waitomo tại New Zealand hấp dẫn du khách nhờ số lượng lớn đom đóm sống tại đây. Những con đom đóm có tên khoa học Arachnocampa luminosa khi phát quang sẽ tạo ra ánh sáng màu xanh lá cây pha lẫn xanh dương đặc biệt.
Ánh sáng thực chất phát ra từ chất thải của ấu trùng, được “hô biến” qua chuỗi phản ứng hóa học phức tạp liên quan đến các chất luciferase, enzyme adenosine triphosphate… trong ống tiêu hóa.
12. Rừng đom đóm ở Nagoya, Nhật Bản
Nếu có dịp ghé thăm khu rừng đom đóm ở thành phố Nagoya (Nhật Bản), bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn hàng ngàn chú đom đóm đang "tỏa sáng" trong màn đêm để thu hút bạn tình của mình.
Khoảng thời gian tốt nhất mà để bạn có thể hòa mình vào không gian lãng mạn, đầy kỳ ảo này là mùa mưa, tháng 6 - tháng 7 ở Nhật Bản.
13. Núi lửa xanh Danakil, Ethiopia
Ngọn núi lửa này nằm ở trong một vùng đồng bằng trũng ở Danakil, Ethiopia. Khi mạch nước ngầm chảy sâu xuống lòng đất, chúng gặp nhiệt độ cao và chuyển thành dạng hơi, đến lúc áp suất lên tới đỉnh điểm thì tạo ra một vụ nổ và hình thành miệng núi lửa.
Vào lúc chạng vạng, ánh sáng kỳ ảo thoát ra trên bề mặt là do khí sulfuric bị hun nóng và thoát ra ngoài thông qua các vết nứt của núi lửa. Khi tiếp xúc với không khí, chúng bốc cháy và tạo ra những ngọn lửa xanh, cao tới 4m trong không khí.
Theo VyKa / Trí Thức Trẻ