13 tỉnh, thành tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập lụt

(PLO)-  ĐBSCL đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: 13 tỉnh, thành tại ĐBSCL đều có nguy cơ ngập lụt

Ngày 18-7, tại TP Vị Thanh, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức Hội thảo Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng ĐBSCL.

Hội thảo là cơ hội trao đổi, thảo luận và chia sẻ về những kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch và phát triển bền vững đô thị. Qua đó, mở ra khả năng học hỏi, áp dụng cho các tỉnh, TP ĐBSCL.

Góp phần triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết đây là Hội thảo chuyên đề thứ ba trong chuỗi bốn Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần triển khai Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 148 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hội thảo cần làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị ĐBSCL là gì? Ảnh: CHÂU ANH

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hội thảo cần làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị ĐBSCL là gì? Ảnh: CHÂU ANH

Theo ông Hiển, ĐBSCL là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là vùng đang chịu tác động lớn về thiên tai và biến đổi khí hậu, được cảnh báo là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới.

Cụ thể, dự báo đến cuối thế kỷ XXI, mực nước biển dâng từ 0,5-1m, kéo theo khoảng 39% diện tích, 35% dân số ĐBSCL chịu ảnh hưởng. Cạnh đó, toàn bộ 13 tỉnh, TP tại vùng đồng bằng đều có nguy cơ ngập.

Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, toàn bộ 13 tỉnh, TP tại vùng đồng bằng đều có nguy cơ ngập, một số đô thị lớn có nguy cơ ngập cao, trong đó có TP Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH

Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, toàn bộ 13 tỉnh, TP tại vùng đồng bằng đều có nguy cơ ngập, một số đô thị lớn có nguy cơ ngập cao, trong đó có TP Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH

Trong đó, một số đô thị lớn, trung bình có nguy cơ ngập cao như TP Rạch Giá, TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) và TP. Cần Thơ.

“Để triển khai các định hướng của Nghị quyết 06 và các nghị quyết, chiến lược liên quan, một trong những yêu cầu quan trọng là phải tích hợp được các yêu cầu về khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào trong các quy hoạch phát triển đô thị. Đây cũng là mục đích chính của Hội thảo ngày hôm nay” - ông Hiển nhấn mạnh.

Từ đó, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hội thảo cần làm rõ mô hình đô thị phát triển bền vững cho các đô thị ĐBSCL là gì? Cách tiếp cận khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố là gì? Với các đặc điểm riêng của các đô thị vùng ĐBSCL, làm thế nào để tích hợp rủi ro vào quy hoạch và chính sách phát triển đô thị của các đô thị?

Ông Herve Conan, Giám đốc AFD Việt Nam cho rằng các chia sẻ từ các chuyên gia Pháp sẽ giúp các nhà hoạch định có được cái nhìn sâu và rộng hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt. Ảnh: CHÂU ANH

Ông Herve Conan, Giám đốc AFD Việt Nam cho rằng các chia sẻ từ các chuyên gia Pháp sẽ giúp các nhà hoạch định có được cái nhìn sâu và rộng hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt. Ảnh: CHÂU ANH

Theo ông Herve Conan, Giám đốc AFD Việt Nam, tại Hội thảo lần này, các kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia Pháp sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cấp địa phương của Việt Nam có được cái nhìn sâu và rộng hơn về những thách thức mà họ phải đối mặt ngay tại chính địa phương của họ.

Ngoài ra, các trao đổi tập trung xoay quanh vấn đề quản lý rủi ro thiên tai, các mô hình và công cụ phát triển đô thị, các cách tiếp cận được ưu tiên trong bối cảnh đô thị phát triển mạnh mẽ và những điều chỉnh cần thiết của địa phương để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

Hậu Giang có một dự án phát triển đô thị xanh

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ năm 2004 khi mới chia tách, tỉnh có một đô thị loại IV và tám đô thị loại V, hạ tầng đô thị còn nhiều mặt hạn chế.

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, hiện Hậu Giang đã có một đô thị loại II, hai đô thị loại III và 16 đô thị loại V, tỉ lệ đô thị hóa đạt 29,75%.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: "Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 29,75%". Ảnh: CHÂU ANH

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang: "Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 29,75%". Ảnh: CHÂU ANH

Người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang cũng cho biết trên địa bàn tỉnh có một dự án “Phát triển đô thị xanh thích ứng với biến đổi khí hậu TP Ngã Bảy”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất dự án hồi tháng 4-2022.

Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.210 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn vay AFD và vốn đối ứng của tỉnh; thời gian thực hiện năm 2023-2026.

Mục tiêu của dự án là xây dựng TP Ngã Bảy thành đô thị xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, theo hướng hiện đại.

Đồng thời, tiếp cận các tiêu chuẩn đô thị xanh, đô thị văn minh đối với các đô thị trọng điểm của tỉnh để đảm bảo xứng tầm phát triển là một trong các đô thị hạt nhân của tỉnh.

ĐBSCL hiện có 174 đô thị, gồm: một đô thị trực thuộc Trung ương, hai đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, chín đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỉ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 31,16%, tăng 4,6% so với năm 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm