Thủ tướng họp gỡ khó cho 8 dự án cao tốc ở ĐBSCL

(PLO)- Bộ GTVT cho biết hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc vùng ĐBSCL.

Tham dự còn có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, đại diện các Bộ ngành và lãnh đạo 13 tỉnh thành trong khu vực tham dự hội nghị.

Thay mặt Chính Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương Chủ tịch và Bí thư các tỉnh ĐBSCL, các Bộ trưởng các Bộ liên quan đã tích cực trong thúc đẩy dự án, tìm nguồn vốn, tìm nguồn vật liệu, xử lý các vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các dự án cao tốc.

Thủ tướng nhấn mạnh nếu các tuyến cao tốc được triển khai thực hiện tốt sẽ tạo ra không gian phát triển mới, khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời giải quyết được 2 nút thắt lớn nhất của ĐBSCL là hạ tầng và nhân lực. Ngoài ra Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tiếp tục nghiên cứu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và lấy TP.HCM và Cần Thơ là điểm đột phá.

thủ tướng phạm minh chính

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh thành khu vực ĐBSCL để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc vùng. Ảnh: Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bên cạnh đó, Thủ tướng còn yêu cầu các địa phương khu vực ĐBSCL và bộ ngành liên quan nghiên cứu phát triển đường thủy nội địa của khu vực, chọn điểm đột phá và phải khai thác tối đa tiềm năng này của ĐBSCL.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 463 km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỉ đồng, đến năm 2026 sẽ cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác. Một số dự án bàn giao mặt bằng tốt như Cần Thơ – Cà Mau 98%, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng 76%...

Theo Bộ GTVT khó khăn hiện nay là toàn bộ các dự án khu vực ĐBSCL đi qua khu vực địa chất yếu, việc xử lý lún nền đường mất nhiều thời gian. Vì vậy, tiến độ các dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ bàn giao mặt bằng và nguồn vật liệu cát đắp. Đến nay, phần mặt bằng đã được bàn giao, cơ bản đáp ứng triển khai thi công.

Tuy nhiên, đối với phần mặt bằng còn lại là các khu vực đất ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật thường là khâu khó khăn và mất nhiều thời gian, nếu không quyết liệt và bàn giao sớm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và hoàn thành dự án.

cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: CHÂU ANH

Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Buổi khởi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng vào 17-6

Đối với nguồn vật liệu cát đắp, đến nay, các dự án đã cơ bản xác định được nguồn cung, nếu không sớm hoàn thành các thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cát theo kế hoạch thi công sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các dự án.

Riêng Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau, hiện mới có tỉnh Đồng Tháp xác định đủ nguồn cung để cấp cho dự án (tổng cộng 7 triệu m3). Các tỉnh An Giang Vĩnh Long chưa xác định đủ nguồn cho dự án (tỉnh An Giang còn 5,9 triệu m3, trong đó năm 2023 là 2,2 triệu m3, năm 2024 là 3,7 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long còn lại 3,2 triệu m3, trong đó năm 2023 là 2,5 triệu m3, năm 2024 là 0,7 triệu m3).

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là việc đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu cát đắp để hoàn thành công tác đắp nền đường, Bộ GTVT kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao phần mặt bằng cho dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau trong tháng 7-2023 và bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng trước ngày 31-12-2023.

Đồng thời, UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt Sở TN&MT, căn cứ các hướng dẫn của Bộ TN&MT để thực hiện các thủ tục giao mỏ cho các Nhà thầu khai thác, không phát sinh các thủ tục hành chính làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Riêng đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh An Giang, Đồng Tháp xem xét để tiếp tục cung cấp cát (An Giang 2,2 triệu m3, Đồng Tháp 0,5 triệu m3) từ các mỏ đang khai thác trong tháng 7-2023.

UBND tỉnh Vĩnh Long sớm chấp thuận giao 02 mỏ theo đề nghị của Sở TN&MT để các nhà thầu triển khai thủ tục trong tháng 7-2023 và ưu tiên giao 3 mỏ còn lại cho các Nhà thầu thi công Dự án được khai thác, bảo đảm đủ 5 triệu m3 cho Dự án. UBND tỉnh An Giang sớm xem xét có phương án cung cấp phần khối lượng còn lại năm 2024, bảo đảm đủ khối lượng cát cho dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm