Chính thức khởi công tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu nhấn nút chính thức khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng - cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Chính thức khởi công tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL

Sáng 17-6, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đồng loạt được khởi công ở bốn địa phương gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang và Sóc Trăng.

cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: HD

Mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gồm: hệ thống đường bộ cao tốc, các sân bay quốc tế, đường sắt đô thị, cảng biển... và được phân bổ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội các khu vực và đất nước.

Việc thực hiện đầu tư đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng phù hợp với phương hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 21-NQ/TW "xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng kinh tế trọng điểm phát triển của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững" và chủ trương đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, quy mô lớn, nhất là về giao thông” để thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc”.

"Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.

Trong thời gian rất ngắn khoảng 1 năm so với mức trung bình 2 năm so với cách triển khai thông thường, tỉnh An Giang và 3 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng cùng các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan… đã nỗ lực để khởi công đồng loạt 4 dự án thành phần.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi dự án tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội khu vực; phát huy hiệu quả khai thác các tuyến trục dọc, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng; từng bước hình thành trục kết nối, giao thương và phát triển kinh tế - xã hội giữa Việt Nam với các nước tiểu vùng sông Mê Kông" - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Với kết quả đó, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự cố gắng nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh thành phố, Bộ Giao thông vận tải, các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ, các Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn. Đặc biệt Thủ tướng biểu dương các tỉnh, thành phố đã phối hợp triển khai; biểu dương chính quyền và nhân dân 4 địa phương có dự án đi qua đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện Dự án.

Công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức

Tuy nhiên Thủ tướng lưu ý công việc sắp tới còn rất lớn và nhiều thách thức. Đó là phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại trong đó có nhiều vị trí tập trung đông dân cư, dễ phát sinh các khiếu nại.

Đó là chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải rất lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của các địa phương trong cấp phép khai thác. Đó là thi công khối lượng công trình rất lớn trong khoảng thời gian không dài và chịu ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết.

Từ đó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan của Trung ương, UBND 4 tỉnh, thành phố cùng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công Dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Đặc biệt yêu cầu tỉnh An Giang bố trí và các tỉnh có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án. UBND các tỉnh cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án một cách nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Bảo đảm chất lượng, tiến độ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn Dự án năm 2027.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là dự án thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia”, mang tính chất liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – ninh khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng

cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình

Đây là lần đầu tiên, tỉnh An Giang được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách. An Giang đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.

Trên tinh thần quyết tâm, khẩn trương thực hiện An Giang trong thời gian ngắn đã thực hiện tốt và đúng quy định các công việc như: bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi…

cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu nhấn nút chính thức khởi công cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL

cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Chính thức khởi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng: đến ngày 16-6, tỉnh đã giải ngân bồi thường cho 1.020/1530 hộ, với diện tích khoảng 315/391 ha, đạt tỉ lệ 80,7%

Quán triệt nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xác định các dự án đường bộ cao tốc là công trình quan trọng của quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh An Giang đã thống nhất hỗ trợ, bố trí 2 khu vực cung cấp cát sông san lấp để Cần Thơ và Hậu Giang tổ chức khai thác, nạo vét thu hồi khoáng sản cát san lấp cung cấp cho Dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm