14 hiệp hội kiến nghị khẩn về chi phí tái chế

(PLO)-  Việc yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế đang có lời chưa hợp lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mười bốn hiệp hội gồm Hiệp hội thực phẩm minh bạch, Hiệp hội sữa Việt Nam, Hội lương thực thực phẩm TP.HCM, …vừa có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính… góp ý dự thảo định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì (Fs) và các kiến nghị để thực thi tái chế hiệu quả.

Công văn nêu: Để thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu tái chế sản phẩm, bao bì thải bỏ (EPR) có hiệu lực từ 1-1-2024 theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP các hiệp hội tích cực tham gia nhiều hội thảo góp ý chi tiết. Nhưng đến nay còn một số vướng mắc lớn, các hiệp hội muốn trình các Bộ trưởng xem xét có chỉ đạo ban soạn thảo tháo gỡ.

Theo đó, tại dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27-7, dù ban soạn thảo đã có điều chỉnh nhưng một số định mức chi phí tái chế Fs cao hơn mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu. Ví dụ mức chi phí tái chế bao bì nhôm cao hơn 1,26 lần, thủy tinh cao hơn 2,12 lần…

Nguyên nhân chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi. Theo đó, chỉ riêng ba loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế ước tính 6.127 tỉ đồng mỗi năm. Cộng thêm nhiều ngàn tỉ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, đây khoản chi phí rất lớn, gây nhiều khó khăn cho DN.

Trong khi đó, các vật liệu có giá trị thu hồi cao như bao bì nhôm, bao bì giấy các tông... các nhà tái chế chính thức đã có lời lớn.

Theo dự thảo mức chi phí tái chế Fs thủy tinh đang cao 2,2 lần so với 14 nước Tây Âu.

Theo dự thảo mức chi phí tái chế Fs thủy tinh đang cao 2,2 lần so với 14 nước Tây Âu.

Hiện tại, mức lời của các nhà tái chế chính thức đối với bao bì nhôm khoảng 700-1.286 tỉ đồng/năm, bao bì sắt lời 92 tỉ đồng/năm, bao bì giấy caron lời 900 tỉ đồng/năm, bao bì PET cứng lời 392 tỉ đồng….

Việc yêu cầu nhà sản xuất đóng góp để hỗ trợ nhà tái chế đang có lời chưa hợp lý. Các hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế hợp lý hơn. Áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam và hệ số điều chỉnh Fs bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Đồng thời, để triển khai hiệu quả chính sách EPR, các hiệp hội kiến nghị thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 để giảm khó khăn cho DN.

"Với số tiền ước tính lên tới nhiều ngàn tỉ đồng phải nộp vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam từ đầu năm 2024 cho sản phẩm dự kiến sản xuất, nhập khẩu trong năm 2024. Tức là phần lớn sản phẩm chưa ra thị trường, khiến nhiều DN càng thiếu vốn trầm trọng", các hiệp hội cho biết.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy phải tái chế phụ tùng

Các hiệp hội cho biết, theo quy định các DN sản xuất ô tô, xe máy chịu trách nhiệm tái chế đối với phụ tùng đã gắn trên phương tiện giao thông.

Các nhà sản xuất, nhập khẩu phụ tùng rời như dầu nhớt, săm lốp, ắc qui, pin…phải tái chế các sản phẩm của mình đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, thực tế DN sản xuất ô tô, xe máy cũng có thể phân phối các phụ tùng rời có ghi nhãn hiệu của mình và các phụ tùng này được sản xuất hoặc nhập khẩu bởi một nhà sản xuất hoặc một nhà nhập khẩu trong nước khác.

Hiện có nhiều cách hiểu, chưa thống nhất về xác định DN phải chịu trách nhiệm tái chế đối với phụ tùng rời.

Vì vậy, các hiệp hội đề nghị Bộ TN&MT cần có hướng dẫn cụ thể về cách xác định đơn vị phải chịu trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm phụ tùng rời để DN thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm