Nhập khẩu giảm sốc và nỗi lo tăng trưởng kinh tế

(PLO)- Nhập khẩu giảm mạnh gây ra mối lo ngại cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và tạo ra thách thức cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong gần 20 năm qua, nhập khẩu hàng hóa thường có xu hướng năm sau tăng cao hơn năm trước. Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan mới đây ghi nhận trị giá nhập khẩu hàng hóa trong năm tháng đầu năm 2023 đạt 125,57 tỉ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Lý do nhập khẩu giảm mạnh

“Năm nay, khách hàng siết chặt chi tiêu nên hàng bán rất chậm. Chúng tôi không dám đặt nhiều hàng vì sợ chôn vốn, thua lỗ” - chị Nguyễn Phượng, Giám đốc tài chính một công ty mỹ phẩm thương hiệu Mỹ, lý giải về việc nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh.

Thị trường nhập khẩu đang giảm mạnh trong ba năm qua. Ảnh: P.MINH

Thị trường nhập khẩu đang giảm mạnh trong ba năm qua. Ảnh: P.MINH

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Công ty Dệt may Thành Công (TCM), đánh giá chính sách nới lỏng tiền tệ của các quốc gia thúc đẩy tăng cao lạm phát, người tiêu dùng cũng giảm chi tiêu cho quần áo. Điều này khiến ngành dệt may nói chung phải đối mặt với tình trạng giảm sút đơn hàng. Chưa kể, hàng tồn kho nhiều, đơn hàng ít, các doanh nghiệp (DN) trong ngành giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu và Mỹ.

Trong khi đó, đồng tiền của Bangladesh - một trong các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu dệt may với Việt Nam (VN) giảm mạnh giá trị. Tình hình cũng khiến giá bán hàng của VN kém cạnh tranh hơn, đơn hàng giảm sút. Trung Quốc cũng đang hỗ trợ DN xuất khẩu của họ, gây sức ép cạnh tranh cho ngành dệt may VN.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, cho biết ngành dệt may nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để sản xuất nên trong tình hình hiện nay, xuất khẩu giảm thì đương nhiên nhập khẩu cũng phải giảm theo.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế

Theo các chuyên gia, hoạt động xuất nhập khẩu có thể ảnh hưởng đến GDP, tỉ giá hối đoái, mức độ lạm phát và lãi suất của quốc gia đó. Do đó, nhập khẩu giảm cũng giúp cán cân thương mại VN thặng dư.

Vấn đề trên có thể thấy qua việc cán cân thương mại hàng hóa sáu tháng đầu năm 2023 của VN ước tính xuất siêu 12,25 tỉ USD. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước dễ thở hơn trong chính sách điều hành tiền tệ khi chủ động hạ lãi suất điều hành và huy động để hỗ trợ DN cũng như nền kinh tế.

Ngoài ra, VN vốn nhập siêu từ Trung Quốc nên nhập khẩu giảm cũng khiến sự bất lợi về cán cân thanh toán bớt chênh lệch, tạo ra sự hài hòa trong quan hệ kinh tế song phương. Cũng nhờ đồng tiền ổn định, nhập khẩu giảm đã giúp VN tránh được việc nhập khẩu lạm phát.

Tuy nhiên, góc độ các DN lớn như các DN dệt may với hàng ngàn người lao động thì câu chuyện nhập khẩu giảm trở nên phức tạp hơn. Đơn hàng giảm thì đằng sau đó sẽ là sa thải công nhân, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người lao động.

Con số nhập khẩu giảm “sốc” sẽ đem lại nhiều điều đáng lo ngại về nhu cầu trong nước vẫn còn yếu và xuất khẩu kém hiệu quả. Vì mức nhập khẩu tối ưu cho thấy nhu cầu nội địa mạnh mẽ và nền kinh tế đang phát triển. Nếu những mặt hàng nhập khẩu này chủ yếu là nguyên vật liệu sản xuất, máy móc và thiết bị thì thậm chí còn tạo thuận lợi hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết nhập khẩu giảm sẽ khiến mức độ sản xuất hàng hóa giảm sút và sẽ kéo lùi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong khi đó, VN đang có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ vào sự tăng trưởng của xuất khẩu. Hầu hết nguyên vật liệu nhập khẩu của VN chủ yếu phục vụ cho việc sản xuất để xuất khẩu. Nhập khẩu giảm đồng nghĩa xuất khẩu cũng giảm.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy lũy kế năm tháng đầu năm 2023, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày đạt 9,76 tỉ USD, giảm 20,7% (tương ứng giảm 2,55 tỉ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Gia tăng giải pháp, tìm lối thoát

Theo ông Andrew Harker, Giám đốc kinh doanh S&P Global Market Intelligence, đơn vị phát hành chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh liên tiếp trong các tháng qua đã gây lo ngại lĩnh vực sản xuất của VN có thể rơi vào suy thoái kéo dài, chứ không phải là một giai đoạn tạm thời. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng các công ty sẽ phục hồi trong giai đoạn tới khi có những chuyển biến kinh tế tích cực hơn trên toàn cầu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông tin: “Chúng tôi cố gắng triển khai các hoạt động hỗ trợ các DN trong thời gian này. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền và tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, việc đẩy mạnh xúc tiến cũng hết sức quan trọng.

Chẳng hạn, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan. Cạnh đó, cùng các bộ, ngành tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật cũng như phổ biến thông tin về biện pháp mới mà hiện các thị trường nhập khẩu đang đưa ra”.

Đối với các DN dệt may, theo ông Trần Như Tùng, các DN trong ngành cần bám sát xu hướng phát triển bền vững (ESG). Nhiều quốc gia đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt hướng đến mặt hàng sản xuất xanh. Điển hình là châu Âu với chính sách thuế carbon cùng quy định về quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi”.

Ngoài ra, các DN nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký như CPTPP, EVFTA, RCEP để đẩy mạnh tệp khách hàng, gia tăng khách hàng mới. Đồng thời, sử dụng lợi thế cạnh tranh về chủ động nguyên vật liệu để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của các tổ chức nói trên.•

Cần tăng nội lực trong nước

GS-TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng: Trong bối cảnh thế giới chưa phục hồi, thị trường thế giới còn đang hấp thụ yếu, VN phải khơi thông nguồn lực để tăng năng lực nội địa ở trong nước.

Điển hình các nút thắt trong đầu tư công khiến việc giải ngân còn chậm hay gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết 43/2022 vẫn chưa giải ngân được nhiều vì vướng cơ chế, chính sách.

“Giải quyết các điểm nghẽn trên sẽ khơi thông nguồn lực để tăng nội lực” - ông Cường nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm