19 tuổi có biệt phủ nguy nga, thật kỳ lạ!

Chiều 9-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Các đại biểu (ĐB) QH đều thống nhất với nhận định tình trạng tham nhũng đang rất nhức nhối, vì thế cần những biện pháp ngăn chặn để cán bộ “không muốn tham nhũng, không thể và sợ tham nhũng…”.

Dân bức xúc vì những điều bất thường

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang) ủng hộ việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là người thân của quan chức như dự luật đưa ra. Ông nêu có cán bộ từ trung ương đến địa phương khi kê khai thì chả thấy có tài sản gì lớn nhưng về quê làm những nhà thờ họ vài tỉ đồng, vài chục tỉ đồng; ngày giỗ xe to, xe nhỏ đỗ đầy đường. Điều này khiến nhân dân bức xúc và coi đó là sự bất bình thường.

ĐB Nguyễn Anh Trí, nguyên Giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cũng cho rằng buộc kê khai tài sản với cả con đã thành niên sẽ là công cụ kiểm soát hữu hiệu (luật hiện hành chỉ yêu cầu kê khai con chưa thành niên - PV). Dẫn ví dụ trường hợp “biệt phủ” của nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại huyện Bình Chánh (TP.HCM) mà dư luận nêu gần đây, ông Trí bình luận: “Biệt phủ đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ! Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.

Tướng Sùng Thìn Cò: “Cán bộ về quê xây nhà thờ họ mấy chục tỉ, cái này có kê khai không?”. Ảnh: CHÂN LUẬN

Tài sản như bồ nhí, càng giấu càng tìm

Theo ĐB Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành giống như bệnh dịch. Vì vậy, chống tham nhũng theo kiểu khoanh vùng để diệt thì chưa ổn vì dịch nhiều nơi. Theo đó, ông Chính ủng hộ việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. “Chúng ta không nên khoanh lại phạm vi hẹp hơn, nếu ta chỉ tập trung ở trên thì ở dưới ai làm. Ta phải bám sát phân cấp cán bộ quản lý, ở cấp nào, ngành nào cán bộ của anh để xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì anh phải chịu trách nhiệm” - ông Chính nói.

Nhiều ĐBQH cũng ủng hộ việc công khai tài sản của cán bộ, công chức tại nơi cư trú để người dân giám sát. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, việc công khai bản kê khai tài sản thế nào là rất quan trọng, nhất là công khai ở nơi cư trú để người dân giám sát. “Công khai nơi cư trú dân rất yên tâm. Còn công khai ở chi bộ thì quá bằng giấu kín đi. Nên công khai tài sản, thu nhập (của quan chức - PV), chứ càng giấu càng chết. Tài sản như bồ nhí, càng giấu càng tìm” - ông Lợi ví von.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng việc sửa luật phải đưa ra được những biện pháp mạnh để lấy lại lòng tin của nhân dân, trong đó có biện pháp công khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn để người dân giám sát. Ông phân tích: “Kê khai tài sản này kia chỉ là cái vỏ, vấn đề gốc là cái gì, tham nhũng chỗ nào. Các dự án đầu tư, quy hoạch, tài chính, đấu giá... đều yêu cầu công khai nhưng khi thực thi có được mấy chỗ công khai đâu!”.

Theo ông Phương, chuyện câu kết với nhau từ chạy dự án đến quyết toán là khép kín và “phần trăm, phần nghìn” cũng từ đây mà ra, cán bộ, công chức nhũng nhiễu cũng qua dự án. “Số tiền đầu tư vào dự án mấy chục phần trăm, còn mấy chục phần trăm ra ngoài, doanh nghiệp trở nên giàu có, rồi người cấp, người duyệt dự án cũng hưởng lợi. Chính vì vai trò giám sát của tổ chức, người dân không có” - ông nói.

Đề xuất cho cán bộ đi thăm nhà tù

ĐB Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp vì “trong thời đại công nghệ cao, kỹ thuật cao, nhiều cái cao lắm nên việc phát hiện tham nhũng hết sức khó khăn”.

Ông Ngân cũng cho hay tới đây, ở học viện nơi ông làm giám đốc, một trong những nội dung đi thực tế của các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho một số cán bộ, công chức là đi tham quan nhà tù - nơi những người đã từng tham nhũng bị xử lý. “Nhà tù là nơi mà tội phạm, những người tham nhũng đang bị xử lý, trả giá cho hành vi tham nhũng của mình. Tôi nghĩ rằng việc tham quan nhà tù sẽ là một bài học thực tiễn” - ông Ngân nói.

Chia sẻ về đề xuất này, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết lúc ông học ở Mỹ về quản lý nhà nước, trong chương trình thực tập cũng có một phần đi thăm nhà tù.

Tướng Sùng Thìn Cò cũng nhìn nhận giáo dục đạo đức cán bộ là cái gốc của chống tham nhũng. Bởi theo ông, nếu cán bộ tốt thì mới thành công; cán bộ không tốt thì công việc thất bại, nhân dân và đất nước không được nhờ gì cả.

“Cái đức cán bộ là gốc. Phải giáo dục cho cán bộ kiên định, vững vàng, thấy tiền không thích, thấy gái đẹp là không đòi hỏi” - tướng Sùng Thìn Cò minh định rằng ông đang nói đùa nhưng nhấn mạnh cuộc chiến chống tham nhũng phải tiến hành dù có tổn thất...

Có ý đồ cũng không thể tham nhũng

Tham nhũng rất phức tạp, người tham nhũng là những công chức, viên chức có trình độ, có hiểu biết. Một khi họ có ý đồ giấu giếm thì việc phát hiện rất khó khăn.

Do đó trong phòng, chống tham nhũng, quan điểm của cá nhân tôi phòng là chính, phải thiết kế khuôn khổ pháp lý làm sao để người có ý đồ muốn tham nhũng không thể tham nhũng. Chứ để tham nhũng rồi mới phát hiện, xử lý cũng hết sức đau lòng. Vừa mất cán bộ, tù tội, rơi vào cảnh đó buộc chúng ta phải làm thôi, thực ra về nhân văn thì chúng ta không muốn.

Phòng ngừa tham nhũng có nhiều công cụ, đầu tiên là thiết kế quy chế làm việc hết sức chặt chẽ, rồi có tiêu chuẩn định mức, công khai, minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác, quy định mối quan hệ xã hội; tiếp đến là cơ chế kê khai, công khai, kiểm soát tài sản thu nhập…

Tổng Thanh tra Chính phủ LÊ MINH KHÁI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới