Tại phiên thảo luận tổ về dự luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi chiều 9-11, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh việc sửa Luật PCTN chỉ cần tập trung ba vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ nhất là ai có khả năng, nguy cơ tham nhũng thì kiểm soát. Không nên đưa quá nhiều đối tượng phải kê khai tài sản, trong khi khả năng quản lý không có dẫn đến không kiểm soát được. “Phải xem xét, tính toán lại chứ đưa những đối tượng chẳng có gì để tham nhũng vào thì “vừa buồn vừa tủi”” - ông Lợi nói.
Thứ hai, khi xác định được đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập rồi thì phải khoanh vùng mức độ công khai - ở nơi cư trú, nơi làm việc. “Công khai nơi cư trú dân rất yên tâm. Còn công khai chi bộ thì quá bằng giấu kín đi, vì chi bộ đâu có ai kiểm soát nhau, không ai chê ai thì công khai ở chi bộ làm gì? Nên công khai tài sản, thu nhập (của quan chức - PV) chứ càng giấu càng chết. Tài sản như bồ nhí, càng giấu càng tìm” - ông Lợi ví von.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.
Vấn đề thứ ba, ông Lợi nhấn mạnh biện pháp kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Dẫn quy định trong dự thảo về việc cán bộ, công chức chi trên 20 triệu đồng phải thanh toán qua tài khoản, ông đặt câu hỏi: “Tại sao ở đây quy định chỉ trên 20 triệu đồng trở lên mới kiểm soát?”.
Theo ông, nếu kiểm soát tài sản toàn bộ qua ngân hàng thì “ai cũng có thẻ ngân hàng, tiền vào bao nhiêu đều biết, gửi ra nước ngoài cũng biết thì sẽ hạn chế được tham nhũng”.
Còn đại biểu Bùi Văn Phương thì nhấn mạnh việc sửa luật phải đưa ra được những biện pháp mạnh để lấy lại lòng tin của nhân dân đối với công cuộc PCTN.
Ông Phương phân tích: “Kê khai tài sản này kia chỉ là cái vỏ, vấn đề gốc là cái gì, tham nhũng chỗ nào? Các dự án đầu tư, quy hoạch, tài chính, đấu giá... đều yêu cầu công khai nhưng khi thực thi có được mấy chỗ công khai đâu? Nên dân, cơ quan tổ chức biết gì mà giám sát?”.
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương.
Theo ông Bùi Văn Phương, chuyện câu kết với nhau từ “chạy” dự án đến quyết toán là khép kín và “phần trăm, phần ngàn” cũng chia từ đây mà ra, cán bộ, công chức nhũng nhiễu cũng qua dự án. Số tiền đầu tư vào dự án mấy chục phần trăm, còn mấy chục phần trăm ra ngoài, doanh nghiệp trở nên giàu có, rồi người cấp, người duyệt dự án cũng hưởng lợi... chính vì vai trò giám sát của tổ chức, người dân không có.
“Nói rằng công khai thì dân biết gì về chuyên môn?... Cần công bố dự án ra bằng này tiền, tác động về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh như thế nào để cho người dân tham gia. Khi ấy người dân mới thấy dự án cần thiết hay không” - ông Phương nói.