UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản gửi UBND hai tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng và Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ lấy ý kiến khu vực thăm dò khoáng sản cát san lấp trên lòng sông Hậu đoạn qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết có nhận được đơn đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản và hồ sơ kèm theo của Công ty CP Đầu tư - Xây dựng 879 và Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Trần Đức Vẹn.
|
Khu vực hai Công ty đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cấp phép thăm dò cát san lấp nằm trên sông Hậu đoạn qua địa bàn thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành). |
Hai Công ty này đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang cấp phép thăm dò cát san lấp ở lòng sông Hậu; khu vực đề nghị thăm dò nằm trên sông Hậu đoạn qua địa bàn thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Diện tích thăm dò khoảng 25,4 ha, mục đích dùng san lắp cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trong tỉnh, đặc biệt là dự án cao tốc.
“Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 23/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; UBND tỉnh Hậu Giang xin gửi đến quý cơ quan hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản nêu trên.
Đề nghị quý cơ quan xem xét, cho ý kiến về khu vực đề nghị thăm dò khoáng sản để UBND tỉnh Hậu Giang xem xét, cấp giấy phép cho Công ty theo quy định” - văn bản của UBND tỉnh Hậu Giang nêu.
Theo Bộ GTVT thống kê từ nay đến năm 2025, để phục vụ thi công bốn tuyến cao tốc triển khai tại khu vực ĐBSCL cần khoảng 39 triệu m3 cát đắp nền. Tuy nhiên, các mỏ cát sông trong vùng chỉ đáp ứng được khoảng 20 triệu m3, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển hoặc cát nhiễm mặn thi công nền đường là rất cần thiết và có tính dài hạn, đặc biệt quan trọng với khu vực ĐBSCL.