Chiều 2-7, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường vào Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.
Sau khi thảo luận, với đa số đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết bổ sung nội dung này trong Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.
Làm đường sắt đô thị, đã rất cấp bách
Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu HĐND TP Hà Nội đánh giá cao việc xây dựng và triển khai Đề án nhằm tạo bộ mặt mới cho giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (tổ Nam Từ Liêm) đề xuất cần rà soát thêm một số căn cứ và cơ sở pháp lý của Đề án. Để bảo đảm chặt chẽ và sự thận trọng, HĐND TP nhất trí việc cho ý kiến, UBND sẽ hoàn thiện nội dung Đề án để tiếp tục báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
Còn đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) cho rằng, tờ trình của UBND TP có 23 cơ chế chính sách, rõ ràng tác động lớn đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội của TP, vấn đề nguồn lực của TP trong triển khai đề án. Theo đó, đại biểu thống nhất cao quan điểm HĐND TP cho ý kiến vào các nội dung để UBND TP nghiên cứu và có đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng nội dung này, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, việc xây dựng hệ thống đường sắt đô thị hiện đại, có năng lực vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn là vô cùng cần thiết đối với đô thị 10 triệu người như Hà Nội.
“Vấn đề đường sắt đô thị của TP Hà Nội là rất cấp bách. Theo quy hoạch Hà Nội có 14 tuyến, nhưng đến nay TP mới xây dựng được 2 tuyến” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng thống nhất HĐND TP góp ý vào Đề án để UBND TP kịp thời hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền. Đồng thời nội dung này sẽ được đưa vào trong Nghị quyết về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024.
Đến 2030, Hà Nội sẽ có gần 100 km đường sắt đô thị
Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, mục tiêu của Đề án hướng tới là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đẩy mạnh giao thông công cộng trên địa bàn. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030 vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đạt tỷ lệ 50-55% và sau năm 2035 đạt 65-70%.
Theo đó, Đề án đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2045 sẽ hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô, với 3 phân kỳ đầu tư.
Cụ thể, phân kỳ thứ nhất từ năm 2024-2030, sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km, đồng thời chuẩn bị đầu tư khoảng 301 km đường sắt đô thị khác. Nhu cầu vốn của phân kỳ này là hơn 14,6 tỷ USD, trong đó Hà Nội sẽ tự cân đối được khoảng 11,57 tỷ USD, cần Trung ương hỗ trợ hơn 3 tỷ USD.
Phân kỳ 2 từ năm 2031-2035, sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 301 km đường sắt đô thị, với nhu cầu vốn hơn 22,57 tỷ USD, trong đó Hà Nội cân đối được gần 17 tỷ USD, cần hỗ trợ hơn 5,58 tỷ USD.
Phân kỳ 3 từ năm 2036-2045, sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 200 km đường sắt đô thị với nhu cầu vốn là hơn 18 tỷ USD, trong đó Hà Nội chủ động được nguồn vốn.
Đề án cũng đề xuất 23 cơ chế, chính sách cụ thể để TP có thể huy động được nguồn lực triển khai xây dựng hàng trăm km đường sắt đô thị từ nay đến năm 2045.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Hà Nội đề xuất được khai thác quỹ đất trong khu vực TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) để phát triển đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất cho Hà Nội được chủ động hơn trong vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn, thủ tục triển khai dự án, lựa chọn kỹ thuật công nghệ, đào tạo nhân lực… để làm đường sắt đô thị.
Theo Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, giai đoạn từ 2024 - 2030, Hà Nội sẽ sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km gồm các tuyến số 2, số 3, số 5.
Cùng với đó, TP sẽ chuẩn bị đầu tư khoảng 301 km đường sắt đô thị khác, gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh.
Nhu cầu vốn của phân kỳ này là hơn 14,6 tỷ USD, trong đó Hà Nội sẽ tự cân đối được khoảng 11,57 tỷ USD, cần Trung ương hỗ trợ hơn 3 tỷ USD.