UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô với mục tiêu hướng tới là hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị, đẩy mạnh giao thông công cộng trên địa bàn.
Theo đó, đề án đưa ra kế hoạch từ nay đến năm 2045 sẽ hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị của Thủ đô, với 3 phân kỳ đầu tư.
Cụ thể, phân kỳ thứ nhất từ năm 2024-2030, sẽ hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km, đồng thời chuẩn bị đầu tư khoảng 301 km đường sắt đô thị khác. Nhu cầu vốn của phân kỳ này là hơn 14,6 tỷ USD, trong đó Hà Nội sẽ tự cân đối được khoảng 11,57 tỷ USD, cần Trung ương hỗ trợ hơn 3 tỷ USD.
Phân kỳ 2 từ năm 2031-2035, sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 301 km đường sắt đô thị, với nhu cầu vốn hơn 22,57 tỷ USD, trong đó Hà Nội cân đối được gần 17 tỷ USD, cần hỗ trợ hơn 5,58 tỷ USD.
Phân kỳ 3 từ năm 2036-2045, sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 200 km đường sắt đô thị với nhu cầu vốn là hơn 18 tỷ USD, trong đó Hà Nội chủ động được nguồn vốn.
Đề án cũng đề xuất 23 cơ chế, chính sách cụ thể để TP có thể huy động được nguồn lực triển khai xây dựng hàng trăm km đường sắt đô thị từ nay đến năm 2045.
Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Hà Nội đề xuất được khai thác quỹ đất trong khu vực TOD (lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị) để phát triển đường sắt đô thị.
Bên cạnh đó, đề án cũng đề xuất cho Hà Nội được chủ động hơn trong vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn, thủ tục triển khai dự án, lựa chọn kỹ thuật công nghệ, đào tạo nhân lực… để làm đường sắt đô thị.