20 ngày sau lở đất kinh hoàng

Đầu tháng 11, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam xảy ra hai đợt sạt lở đất kinh hoàng do mưa quá lớn. Hậu quả khiến hai người dân thiệt mạng, hơn 10 người bị thương và năm căn nhà bị vùi lấp hoàn toàn. Sau trận sạt lở, cuộc sống của những người ở lại khó khăn chồng chất.

Tay trắng, lòng đau

Sáng nay, mưa vẫn trắng trời Nam Trà My. Những vách núi, đống đất khổng lồ, vực thẳm ngay sát một bên là dấu vết rùng rợn của trận sạt lở đất cuốn đi cả một ngôi làng.

Có những đoạn sạt lở tưởng như chỉ cần một cơn gió mạnh là từng tảng đất sẽ ập xuống. Mất ba giờ đồng hồ đi bộ, băng qua những đống đất đá lởm chởm mới đến được Khe Chữ - nơi những người dân trong vụ sạt lở mới được chuyển đến.

Người dân làm nhà ở tạm chờ làm nhà ở Khe Chữ.

Ông Đinh Văn Vinh ngồi thẫn thờ trước nhà một người hàng xóm. Căn chòi tạm ông dựng đã bị mưa gió cuốn bay một nửa. “Nhà tôi có sáu người, bốn đứa nhỏ. Khi thôn 2 bị sạt lở chính quyền cho di dời qua đây, nay chưa có nhà nên chưa biết ở đâu. Cái chòi làm bằng tre không có chỗ nằm, dành để mấy đứa nhỏ ngủ, còn mình ngủ ngồi hoặc không ngủ. Lo lắm” - ông Vinh nói.

Cách đó hơn chục thước là căn chòi của anh Hồ Văn Đảng. Trận sạt lở vừa rồi đã vùi đi đứa con ruột của anh. “Tôi chỉ mong có tấm tôn để lợp mái ở tạm cho vợ con. Đứa nhỏ học mẫu giáo, giờ đang gửi tạm nhà người trong thôn, cũng khổ” - anh nặng nề nói.

Học sinh ở điểm làng mới được quan tâm, giúp đỡ học hành.

Gần đó, hàng chục căn chòi như của ông Vinh cũng bị mưa lớn phá hỏng hết. Mưa ngớt một chút là ông Vinh vội ra buộc lại tấm bạt che để tối có chỗ cho tụi nhỏ ngủ. Ở chòi bên cạnh, những đứa trẻ nhỏ xíu ngồi co ro bên nhau, gần bếp lửa...

Trong tuần sau làm nhà cho dân

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch huyện Nam Trà My, xót xa: “Người dân trên này khổ lắm. Dù đã cố gắng hết sức nhưng rất khó cưỡng lại những trận lôi đình của thiên nhiên. Hôm lở núi ở Trà Vân làm bốn căn nhà bị vùi lấp, năm người tử vong, rất nhiều người bị thương. May mà chính quyền cương quyết, người dân cũng tin tưởng nên ngay sau đó đã di dời gấp 121 hộ về chỗ ở mới. Vừa di dời xong thì quả núi đổ ào xuống, vùi hết những nhà còn lại”.

Những căn nhà mới đang được dựng lên.

Thôn 2, xã Trà Vân có gần 600 nhân khẩu với 121 hộ dân, nếu lần đó không kịp di dời thì hậu quả không thể tưởng tượng được. Trước khi di dời dân, chính quyền đã tính phương án và chuẩn bị khu đất bằng phẳng để mọi người yên tâm chuyển đến. Tiếp đó, cán bộ nhanh chóng tuyên truyền, vận động người dân rời khỏi vùng nguy hiểm.

“Dù tất cả tài sản bị chôn vùi nhưng hàng trăm người tránh được thương vong đã là hết sức may mắn. Người dân vẫn chưa bình tâm sau cú chấn động vừa qua. Địa phương đã tạo mọi điều kiện về đất đai, hỗ trợ lương thực tối đa nhưng họ vẫn sợ hãi” - ông Bửu chia sẻ.

Trẻ em vui đùa ở làng mới.

Nói về phương án tái định cư cho người dân ở làng mới, ông Bửu cho biết Khe Chữ từ trăm năm nay là địa bàn khô ráo, chưa từng xảy ra sạt lở đất đá lần nào. Hơn nữa, địa điểm này thuận lợi cho người dân ở vùng cũ đến tái định cư do gần với nơi sản xuất cũ, lại là ngã tư đường đi các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, trung tâm huyện Nam Trà My và hướng từ Bắc Trà My đi lên nên tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế cũng như đi lại. Sau khi ổn định nhà cửa, chính quyền địa phương sẽ xây dựng trường học, chợ và giao thông cho làng mới.

Tuy nhiên, vấn đề kinh phí vẫn là điều nan giải với cơ quan chức năng. Bước đầu, chính quyền đã hỗ trợ mỗi hộ dân 50 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ được cấp tối thiểu 200 m2 đất tại làng mới để làm nhà. Thực tế với 50 triệu đồng thì chưa đủ để làm gì cả nên địa phương đang xin thêm ngân sách để ủng hộ người dân.

Cuộc sống của người dân vẫn còn thiếu thốn trăm bề.

Ông Bửu cũng kêu gọi những cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm kinh phí để người dân vùng sạt lở có điều kiện gượng dậy sau thiên tai kinh hoàng. Dự định trong tuần sau các chiến sĩ bộ đội sẽ lên san ủi đất, giúp người dân dựng nhà.

Rồi mưa sẽ ngớt, những nỗi đau sẽ dần nguôi ngoai và chúng tôi tin rằng ngày mai nắng sẽ mọc lên ở làng mới Khe Chữ, những đứa trẻ lại được đến trường trong niềm vui mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm