Israel - Hamas
Xung đột Israel - Hamas đã kéo dài qua tháng thứ tư. Đáp án cho câu hỏi ai chịu tổn thất nhiều nhất trong cuộc chiến chắc chắn là dân thường, với hơn 22.000 người Palestine và khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng. Ngoài ra, theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 85% người dân Gaza phải di dời và 1/4 dân số đang phải đối mặt với nạn đói.
Vậy các bên liên quan trong xung đột Israel - Hamas đang ở vị thế nào sau ba tháng bùng nổ giao tranh?
Israel: Áp lực rất lớn
Tờ The Conversation dẫn đánh giá từ nhiều chuyên gia rằng Israel cho đến nay vẫn chưa đạt được các mục tiêu đã đề ra từ đầu cuộc chiến, bao gồm loại bỏ Hamas và trả tự do cho tất cả người Israel bị Hamas bắt làm con tin.
Hamas thời điểm này vẫn tiếp tục sử dụng mạng lưới đường hầm để phục kích binh lính Israel và bắn rocket sang lãnh thổ Israel. Vẫn còn khoảng 130 người Israel đang bị Hamas bắt làm con tin. Thời gian qua, chỉ có một con tin được Lực lượng Phòng vệ Israel giải thoát, còn lại được trả tự do thông qua trung gian hòa giải Qatar và Ai Cập.
Israel đạt một số thành công mang tính biểu tượng khi tuyên bố tiêu diệt nhiều lãnh đạo Hamas. Tuy nhiên, hai lãnh đạo Hamas ở Dải Gaza mà Israel muốn loại bỏ nhất là lãnh đạo chính trị Yahya Sinwar và lãnh đạo quân sự Mohammed Deif vẫn chưa hề hấn gì.
Về ngoại giao, Israel vẫn được sự ủng hộ của Mỹ nhưng chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây công khai gây áp lực buộc Israel phải thay đổi chiến thuật nhằm giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Vấn đề Gaza hậu xung đột Israel - Hamas cũng tạo mâu thuẫn giữa Mỹ và Israel. Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sẽ không chấp nhận việc Hamas tiếp tục ở lại Gaza cũng như việc chính quyền Palestine tiếp quản dải đất này. Trong khi đó, ông Biden ủng hộ ý tưởng chính quyền Palestine quản lý Dải Gaza.
Israel cũng đứng trước áp lực từ dư luận quốc tế do chiến dịch ném bom quy mô lớn của nước này vào Gaza. Điều này thể hiện trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ hồi tháng trước, trong đó 153/193 quốc gia thành viên kêu gọi ngừng bắn.
Hamas: Thiệt hại nặng
Thành công lớn nhất của Hamas đến lúc này là vẫn đứng vững trong xung đột với Israel. Theo tuyên bố từ Israel, các binh sĩ nước này đã loại bỏ hoặc bắt khoảng 9.000/30.000 chiến binh Hamas từ đầu xung đột. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng để giành chiến thắng, Hamas không cần phải đánh bại Lực lượng Phòng vệ Israel mà nhiệm vụ chính là sống sót sau các đợt tấn công của đối phương.
Về đối ngoại, ba tháng chiến sự mang lại cho Hamas một số thành tựu. Đáng chú ý nhất là việc Hamas đã đưa vấn đề Palestine lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận về Trung Đông. Thêm vào đó, các nước Ả Rập trong khu vực bộc lộ sự phẫn nộ rõ ràng với Israel, dù trước đó có nhiều biểu hiện tích cực trong việc bình thường hóa quan hệ.
Theo The Conversation, thăm dò dư luận cũng cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho Hamas đã tăng từ 12% lên 44% ở Bờ Tây và từ 38% lên 42% ở Gaza trong ba tháng xung đột Israel - Hamas diễn ra. Giới phân tích dự đoán nếu có thể tổ chức các cuộc bầu cử ở Palestine ngay bây giờ, kết quả có thể khiến Israel và Mỹ khó chịu.
Tuần trước, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths mô tả Dải Gaza là “không thể sinh sống được” sau ba tháng xung đột Israel-Hamas.
Nhân tố Mỹ và Iran có tạo khác biệt?
Mỹ thể hiện sự ủng hộ mạnh Israel từ đầu xung đột. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy Washington khó có thể tác động đến kế hoạch chiến tranh của Israel. Tuần trước, sau những chỉ trích từ Mỹ về kế hoạch di dời dân thường Gaza, Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Ben Gvir đã đáp trả rằng Israel “không phải là một ngôi sao trên cờ Mỹ” và “trước hết chúng tôi sẽ làm những gì có lợi cho nhà nước Israel”.
Ngay đầu năm 2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nỗ lực thuyết phục Israel chấm dứt chiến tranh, song không thành công. Hiện tại ông Blinken đang có chuyến công du con thoi đến Trung Đông nhưng rất khó cho nhà ngoại giao Mỹ trong việc mang lại bất cứ thay đổi nào.
Bản thân Mỹ cũng chịu ảnh hưởng khi thể hiện sự ủng hộ Israel. Ngày càng nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Palestine trên toàn nước Mỹ. Nội bộ giới lãnh đạo Mỹ cũng chia rẽ trong chuyện viện trợ Israel. Theo chuyên gia, những điều này có thể tác động đáng kể đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Về phía Iran, nước này đã cho thấy một vai trò vừa phải trong xung đột Israel - Hamas thông qua các nhóm Hồi giáo vũ trang được Iran hậu thuẫn trong khu vực. Nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon) vẫn nã tên lửa, súng chống tăng sang Israel mỗi ngày Nhóm Houthis (Yemen) tiếp tục tấn công tàu thuyền qua Biển Đỏ. Các nhóm vũ trang ở Syria và Iraq vẫn thường xuyên tấn công căn cứ quân đội Mỹ… Chuyên gia dự đoán Iran vẫn sẽ duy trì cách tiếp cận này trong thời gian tới.•
Nguy cơ xung đột Israel - Hamas lan rộng khu vực đã cao đỉnh điểm
Sau các động thái leo thang gần đây từ Israel, Hamas và các nhóm Hồi giáo vũ trang trong khu vực, giới chính trị gia và chuyên gia lo ngại rằng xung đột Israel - Hamas đang đứng trước bờ vực lan rộng khắp Trung Đông và kêu gọi các bên “xuống thang”.
“Đây là thời điểm căng thẳng sâu sắc đối với khu vực. Đây là một cuộc xung đột có thể dễ dàng di căn, gây ra nhiều bất an và đau khổ hơn” - Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo về nguy cơ xung đột Israel-Hamas leo thang ra khu vực, khi ông công du Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ngày 8-1.
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách An ninh và đối ngoại - ông Josep Borrell cũng đang có chuyến công du Trung Đông nhằm hạ nhiệt xung đột. Phát biểu với PV tại Lebanon, ông Borrell nhấn mạnh “điều bắt buộc là phải tránh leo thang khu vực ở Trung Đông” và lưu ý “sẽ không có người chiến thắng trong một cuộc xung đột ở cấp khu vực”.