300 nhà mua hàng từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc...đến Việt Nam tìm nguồn cung

(PLO)-Diễn đàn xuất khẩu và chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" ghi nhận sự tham dự lớn chưa từng có của gần 300 kênh phân phối, nhà nhập khẩu uy tín từ Mỹ, Canada, Trung Quốc...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Video: 300 nhà mua hàng từ Mỹ, Pháp, Hàn Quốc...đến Việt Nam tìm nguồn cung.

Ngày 6-6, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Bộ Công thương, UBND TP.HCM tổ chức khai mạc chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024- Viet Nam International Sourcing Expo”.

Gần 300 nhà mua quốc tế đến Việt Nam tìm nguồn cung hàng hóa

Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các vị đại sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổng lãnh sự, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, hàng trăm nhà mua hàng quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết, sự kiện năm nay ghi nhận sự tham dự lớn chưa từng có của gần 300 kênh phân phối, nhà mua hàng quốc tế, nhà nhập khẩu uy tín từ Mỹ, Canada, Mexico, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Ban tổ chức đã thu xếp các hoạt động kết nối giao thương B2B, chương trình đi tham quan thực tế tại các địa phương cho các nhà mua hàng quốc tế để chuỗi sự kiện còn là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm của các DN.

“Chúng tôi hy vọng nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công. Các đơn vị gặp gỡ được nhiều đối tác và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các hội thảo. Từ đó góp phần đưa hàng Việt vươn xa trên thị trường toàn cầu”, bà Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM đã và đang tiếp tục ban hành nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ DN đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số chuyển đổi xanh.

Thành phố khẳng định tiếp tục đồng hành và hỗ trợ DN vượt khó khăn, thách thức trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đối mặt với nhiều rủi ro.

Song song đó, sẽ giao cho ITPC chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công thương… tổ chức thêm nhiều hoạt động xúc tiến xuất khẩu thiết thực. Đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.

chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế
Hàng trăm nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt. Ảnh: TÚ UYÊN

Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam cho biết, "đội ngũ tìm nguồn cung ứng của Walmart luôn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường toàn cầu gồm Mỹ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.

Hiện nay những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác. Walmart cũng tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm... từ Việt Nam.

Tập đoàn Walmart nhận thấy tiềm năng ở nhiều danh mục sản phẩm của Việt Nam và mong muốn được hợp tác trên quy mô rộng hơn, khai thác cơ hội tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm Việt Nam. Qua đó, phục vụ cả mục tiêu xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường của Walmart trên toàn thế giới".

Châu Âu là nguồn cung hàng đầu về dầu ô liu chất lượng cao. Ấn Độ là thị trường dẫn đầu về chất lượng tôm và cá rô phi đông lạnh. Việt Nam là thị trường dẫn đầu về đồ may mặc và đang ngày càng phát triển ở mảng đồ điện tử.

Hiện Việt Nam đang là thị trường cung ứng quan trọng của Walmart, vai trò này sẽ tiếp tục được nâng cao trong tương lai.

Ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam

Trong khi đó, theo ông Herman Xu, Tổng Giám đốc phụ trách Chất lượng Tập đoàn Miniso (Trung Quốc), Miniso chọn Việt Nam làm điểm đến tìm nguồn cung ứng do Việt Nam được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo nhiều hiệp định thương mại quốc tế.

Từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Miniso khi thâm nhập các thị trường mục tiêu.

Việt Nam có vị trí chiến lược, tiếp giao giữa Đông Nam Á và Đông Bắc Á, nhờ đó có thể khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên của Asean. Từ đó đảm bảo các hoạt động của chuỗi cung ứng được triển khai theo đúng kế hoạch.

Ngoài ra, Việt Nam có nhiều lợi thế về chi phí lao động, tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ chốt và đã phát triển chuỗi cung ứng kết nối với thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng của Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức về cạnh tranh với chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực sản phẩm, đảm bảo chất lượng, năng lực cung ứng, năng lực dịch vụ thương mại.

“Do đó, Minso sẽ hợp tác với chuỗi cung ứng của Việt Nam để vượt qua những thách thức này. Từ đó nâng cao năng lực tổng thể của chuỗi cung ứng thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ nguồn lực”, ông Herman Xu nói.

Là nhà bán lẻ đồ thể thao lớn nhất thế giới, ông Benoit Fournier CEO tập đoàn Decathlon Việt Nam với 28 năm có mặt tại thị trường Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất lớn thứ hai của tập đoàn. 40% giày dép, 22% hàng may mặc, hơn 15% sản phẩm khác được sản xuất tại Việt Nam.

Decathlon Việt Nam làm việc 100 nhà cung cấp địa phương và tập đoàn có trung tâm thiết kế sản xuất hàng may mặc tại Việt Nam.

Chia sẻ về việc đáp ứng quy định xanh xuất khẩu vào Châu Âu, ông Benoit Fournier cho rằng, Châu Âu dẫn đầu xu hướng phát triển bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các nhà xuất khẩu trong đó Decathlon Việt Nam.

“Năm ngoái tập đoàn đã đạt được kết quả tuyệt vời giảm 34% tác động của Co2”- ông Benoit Fournier nói.

Theo ông Benoit Fournier các quy định xanh của Châu Âu phức tạp và luôn thay đổi. Tuy nhiên, tập đoàn có đội ngũ đặc biệt giúp hiểu biết và cập nhật sự thay đổi các quy định xanh của Châu Âu.

Điều này rất quan trọng với bất kỳ DN nào muốn thực hiện theo quy định xanh của Châu Âu.

Bên cạnh đó, đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo là quan trọng. Decathlon Việt Nam không sử dụng than đá trong chuỗi giá trị của mình.

Ngoài ra, việc đầu tư làm chủ các thành phần, nguyên liệu thô tại địa phương giảm tác động đến môi trường và giúp sản phẩm hấp dẫn hơn.

“Chúng tôi đang hướng đến mua nguồn nguyên liệu ít nhất 70% các thành phần bền vững tại địa phương với trị giá 1 triệu USD. Qua đó, vừa giúp giảm phát thải, giảm tồn kho cho tập đoàn cũng như hỗ trợ kinh tế địa phương”, ông Benoit Fournier nói.

Những “chân trời mới” cho DN Việt Nam

Theo ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành, Amazon Global Selling tại Việt Nam, năm năm qua sức mạnh chuyển đổi của TMĐT xuyên biên giới mở ra những “chân trời mới” cho DN Việt Nam.

Số lượng sản phẩm do DN Việt bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong năm năm qua.

Hàng ngàn DN vừa và nhỏ Việt Nam đang xuất khẩu thông qua Amazon, với số lượng DN đạt doanh thu hàng năm trên 1 triệu USD tăng gần gấp 10 lần.

Amazon Global Selling tham gia sự kiện nhằm tăng cường kết nối với các nhà nhà cung cấp Việt Nam, mong muốn tìm kiếm sản phẩm mới, hỗ trợ cho nhiều DN mở rộng kinh doanh qua TMĐT xuyên biên giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm