33 mặt hàng Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD

(PLO)-Theo Bộ Công thương, trong 11 tháng hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có một số điểm sáng.

Bộ Công thương cho biết trong tháng 11 và 11 tháng năm 2023 hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có một số điểm sáng.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng trở lại. Lũy kế 11 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành đã tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm. Điều này đã cho thấy xu hướng sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực.

Trong 11 tháng đầu năm có 33 mặt hàng Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, trong đó có bảy mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD.

Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây Việt Nam tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 619,17 tỉ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 25,83 tỉ USD.

Trong 11 tháng đầu năm xuất khẩu nông sản gạo trái cây duy trì tăng trưởng. ẢNH: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam đạt 322,5 tỉ USD vẫn giảm 5,9%, trong khi hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ phục hồi nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân tình trạng này chủ yếu là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước, nhất là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc dẫn đến tổng cầu tiêu dùng thế giới sụt giảm.

Tiếp đến là xu hướng hàng rào bảo hộ gia tăng khi tính đến tháng 11 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 238 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) từ 24 thị trường. Trong đó, đứng đầu là 132 vụ điều tra chống bán phá giá.

Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ cũng tăng cường các hoạt động điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM, đáng chú ý có một số vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời.

Bộ Công thương dự báo kinh tế toàn cầu năm 2024 tiếp tục đối mặt với những thách thức, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại.

Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; tập trung đầu tư các nhà máy ở một số nước như Brazil, Ấn Độ, Mexico… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục kết nối các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam.

Chú trọng công tác PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, củng cố thể chế về PVTM, tích hợp công cụ PVTM vào các kế hoạch, chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất trong nước.

Tiếp tục hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới