41.000 người sống bằng nghề báo chia nhau 13.000 tỉ quảng cáo

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói đời sống của anh em báo chí làm ông trăn trở khi trả lời chất vấn của ĐB Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) về tình trạng tạp chí điện tử không hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và kinh tế báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói nguồn thu của báo chí từ quảng cáo giảm 1/2, nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng nên "đời sống anh em thực sự rất khó khăn". Ảnh: QH

ĐB Thảo chất vấn những biện pháp quản lý báo chí có giải quyết được gốc rễ vấn đề hay không. Bởi một nguyên nhân làm cho các tạp chí điện tử này hoạt động sai với mục đích là do họ còn lúng túng, không tìm được hướng đi và lối ra để cho họ phát triển.

“Họ phát triển làm sao để vừa thúc đẩy được kinh tế, vừa có được thu nhập cho tạp chí điện tử đó nhưng đồng thời phải đúng hành lang pháp lý, không vi phạm pháp luật” - ĐB Thảo nêu và nói trách nhiệm chủ yếu thuộc về năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các tạp chí.

Theo ĐB Thảo, các tạp chí điện tử cần có các định hướng, giải pháp của Bộ TT&TT để có cơ hội phát triển.

“Do vậy, tôi đề nghị bộ trưởng cho biết về các chính sách đột phá nhằm giải quyết dứt điểm hoạt động sai mục đích và đảm bảo cho họ (tạp chí điện tử - PV) vừa có hành lang pháp lý để phát triển, vừa đồng thời thúc đẩy phát triển về kinh tế” .

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay chỉ có thể hạn chế và quản lý những rủi ro. “Xã hội chúng ta cũng chục nghìn năm nay rồi, có rất nhiều vấn đề cũng tồn tại chục nghìn năm nay nên chúng ta quản lý và hạn chế nó” - Bộ trưởng khái quát.

Về giải pháp cụ thể, Bộ trưởng nói: "Phải nghĩ đến chuyện đời sống của anh em, việc này thực sự là trăn trở rất lớn của cá nhân tôi. Bây giờ 41.000 người sống bằng nghề báo chí. Trước đây nguồn thu từ quảng cáo là khoảng 26.000 tỉ đồng, bây giờ chỉ còn khoảng 13.000 tỉ, vì một nửa phần đó đã rơi vào các mạng xã hội nước ngoài” - Bộ trưởng nêu.

Theo Bộ trưởng, luật quy định cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí nhưng nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng việc này khiến “anh em phải tự bơi nên thực sự khó khăn”.

“Nhìn dưới khía cạnh rất con người tức là để cho anh em sống được, tôi nghĩ ở đây mấy việc: Một là trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải đảm bảo được điều kiện hoạt động, đảm bảo cho anh em có thể sống bằng nghề được. Hai là câu chuyện đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặt hàng. Trong luật ghi là Nhà nước phải đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hiện nay cơ chế chưa làm được, tôi cũng nhận trách nhiệm vì chậm ra việc này” - Bộ trưởng phân trần.

Theo Bộ trưởng, ngoài cơ chế thì phải có nguồn hằng năm để đặt hàng báo chí. Bộ trưởng còn đề cập đến tình trạng “bảo hộ ngược”.

“Tức là các công ty truyền thông nước ngoài, các nền tảng xã hội nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không đóng thuế và luật pháp không tuân thủ nghiêm minh. Trong khi đó với mình (báo chí-truyền thông - PV) thuế có đóng, luật pháp thì nghiêm minh. Câu chuyện thực thi pháp luật đối với các nền tảng xã hội nước ngoài cũng là một việc phải làm để tránh chuyện bảo hộ ngược” - Bộ trưởng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm