41% doanh nghiệp được khảo sát không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn

(PLO)-Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa báo cáo UBND TP.HCM về tình hoạt động tháng 2-2024.

Doanh nghiệp khai thác thị trường mới, tiềm năng

Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp ở một số ngành có dấu hiệu phục hồi như công nghệ, cơ khí, đồ gia dụng… Tuy nhiên, một số ngành như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ còn khó khăn. Một số doanh nghiệp (DN) có xu hướng chuyển qua khai thác thị trường mới, nhiều tiềm năng như Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á.

Ngành chế biến lương thực thực phẩm hoạt động tốt, gia tăng thị trường Trung Quốc và các thị trường mới khai thác như Đông Nam Á, châu Phi… Tuy nhiên, thành phố chưa nắm bắt, hưởng lợi đối với sản phẩm nông nghiệp, các mặt hàng rau củ quả Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ thời gian qua.

Thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu khả quan sau khi thực hiện tái cơ cấu và từ nửa cuối năm 2024 sẽ cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn.

Một số DN lớn đã tiến hành cơ cấu lại nợ để cải thiện tình hình tài chính, thông qua các hình thức mua lại trái phiếu DN trước hạn hoặc đàm phán với các trái chủ, các ngân hàng để gia hạn nợ, giảm áp lực dòng tiền.

Các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đã phát huy tác dụng, nhiều dự án được chính quyền địa phương tháo gỡ pháp lý và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhiệt…

Nhờ sự khởi sắc của thị trường bất động sản, các ngành liên quan như xây dựng, sắt thép, vật liệu xây dựng khác… bắt đầu phục hồi.

doanh-nghiep-tai-san.jpg
Ngành dệt may vẫn còn khó khăn. ẢNH: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ về vốn, ân hạn nợ

Tuy nhiên, hiệp hội tiếp tục kiến nghị thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành xem xét và có chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo Nghị định 31 /2022/NĐ-CP nhưng việc tiếp cận vốn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.

Cụ thể là việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Có tới 41% doanh nghiệp khảo sát đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.

Do đó, ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…

Theo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, với tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.

Vì vậy, chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ, nghĩa là DN gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay.

Thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên hai lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho DN như thời gian qua.

Về phát triển công nghiệp, theo định hướng những năm tiếp theo, thành phố sẽ chuyển đổi các khu công nghiệp hết thời hạn cho thuê và xây dựng các khu công nghiệp mới.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố định hướng, tạo lập các khu công nghệ cao, tập trung nguồn lực cho những ngành công nghệ đòi hỏi nhiều chất xám, có giá trị gia tăng cao, không sử dụng nhiều lao động.

Đặc biệt, có chính sách phù hợp thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các "đại bàng” đến đầu tư để tạo đà kích thích các ngành sản xuất khác cùng đồng hành phát triển.

TP.HCM cần tạo cơ hội cho du khách tới và lưu trú dài ngày

TP.HCM có tiềm năng phát triển du lịch, thương mại rất lớn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng du lịch của thành phố chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho du khách tới thành phố ở lại du lịch, mua sắm, trải nghiệm.

Một số tỉnh thành tận dụng tốt thế mạnh để vực dậy ngành du lịch sau COVID-19 và thu được nhiều kết quả ấn tượng trong thu hút các đoàn du khách lớn từ nước ngoài như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... Trong khi đó, du lịch thành phố được đánh giá là chưa có nhiều chuyển biến đột phá.

Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị thành phố cần phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng các các điểm du lịch tâm linh, văn hóa, ẩm thực, chợ đêm...

Đồng thời, xây dựng các điểm nhấn du lịch như khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay không gian sông Sài Gòn...tạo cơ hội cho du khách lưu trú dài ngày, thưởng ngoạn, chi tiêu.

Theo HUBA, để đạt được mục tiêu này, thành phố cần xây dựng cơ chế mở, huy động nguồn đầu tư từ xã hội hóa, từ cộng đồng dân cư để cùng chung tay phát triển du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm