Ngày 12-12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có mặt tại thủ đô Washington D.C. (Mỹ) nhằm kêu gọi viện trợ về quân sự và kinh tế mà ông cho là cần thiết để Ukraine tiếp tục cuộc chiến với Nga.
Đây là lần thứ ba ông Zelensky đến Mỹ kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Trong chuyến thăm lần này, nhà lãnh đạo Ukraine gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và có bài phát biểu trước quốc hội Mỹ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh gói viện trợ trị giá 60 tỉ USD mà chính quyền ông Biden đề xuất gửi cho Ukraine vẫn còn kẹt tại quốc hội Mỹ khi quốc hội sắp bước vào kỳ nghỉ lễ. Diễn biến này khiến Tổng thống Biden phải cảnh báo rằng quốc hội Mỹ đang "tặng quà Giáng sinh" cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Dưới đây là 5 điều rút ra từ chuyến thăm của Tổng thống Zelensky đến Mỹ, theo đài CNN.
Thay đổi trong ngôn từ của Tổng thống Biden với Ukraine
Trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky hôm 12-12, ông Biden cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine “lâu nhất có thể”.
“Người Mỹ nên tự hào rằng sự hỗ trợ của họ cho Ukraine sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine vũ khí và thiết bị quan trọng trong thời gian lâu nhất có thể” - ông Biden nói.
Truyền thông Mỹ cho rằng đã có thay đổi nhỏ trong lời hứa của Tổng thống Biden khi trước đây nhà lãnh đạo Mỹ vẫn thường dùng cụm từ “bao lâu cũng được miễn là cuộc chiến kết thúc” để nói về hỗ trợ Ukraine.
Theo CNN, phát ngôn mới nhất của ông Biden dường như thể hiện quan điểm thực tế hơn của Tổng thống Mỹ về tương lai viện trợ Ukraine.
Ông Zelensky nỗ lực thuyết phục các thượng nghị sĩ Mỹ
Cùng ngày, ông Zelensky gặp các thượng nghị sĩ Mỹ. Trong cuộc gặp, Tổng thống Ukraine nói rằng ông vẫn trông chờ vào sự hỗ trợ của Washington cho Kiev trong cuộc chiến với Moscow, CNN dẫn lời các thượng nghị sĩ Mỹ.
Trong một bài đăng trên X (tên gọi mới của Twitter) sau cuộc gặp, ông Zelensky mô tả cuộc trò chuyện với các thượng nghị sĩ Mỹ là “thân thiện và thẳng thắn”.
Tổng thống Ukraine cũng cảm ơn Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell “vì sự lãnh đạo của họ trong việc tập hợp ủng hộ lưỡng đảng đối với Ukraine”.
“Tôi đã thông báo cho các thành viên Thượng viện Mỹ về tình hình kinh tế và quân sự hiện tại của Ukraine, tầm quan trọng của việc duy trì sự hỗ trợ quan trọng của Mỹ và trả lời các câu hỏi của họ” - ông Zelensky cho hay.
Về phía Mỹ, ông Schumer cho biết đây là một “cuộc họp rất hiệu quả”. Theo ông Schumer, tại cuộc gặp, ông Zelensky “đã nói rất rõ ràng rằng ông ấy cần sự giúp đỡ như thế nào”, bao gồm chính xác hình thức hỗ trợ mà Ukraine cần và vai trò cụ thể các hỗ trợ trong việc giúp Kiev giành chiến thắng.
Theo Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mike Rounds, trong cuộc gặp, các thượng nghị sĩ Mỹ đặt vấn đề với ông Zelensky về trách nhiệm giải trình đối với viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine. Đáp lại, ông Zelensky đã cố gắng đảm bảo với họ rằng sẽ không có khoản viện trợ nào bị tham nhũng.
Ông Rounds cho biết Tổng thống Zelensky không đưa ra con số cụ thể về tổng số tiền mà Ukraine cần hỗ trợ từ Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine đã cố gắng thuyết phục các thượng nghị sĩ rằng Kiev cần nhanh chóng có thêm hệ thống phòng không để phong tỏa một cây cầu dẫn vào bán đảo Crimea.
Đảng Cộng hòa vẫn “rắn” với viện trợ Ukraine
Một số thượng nghị sĩ Cộng hòa tham dự cuộc gặp với ông Zelensky nói rằng lời kêu gọi hỗ trợ của ông Zelensky chưa thuyết phục được họ, khẳng định rằng ông Biden vẫn cần phải thương lượng với quốc hội.
Vấn đề khiến các đảng viên Cộng hòa còn băn khoăn chưa thúc đẩy viện trợ Ukraine chính là tình hình biên giới Mỹ. Họ lo ngại rằng ngân sách sẽ chuyển cho Ukraine thay vì dùng để đảm bảo an ninh tại biên giới Mỹ.
“Điều duy nhất thực sự cản trở viện trợ Ukraine vào thời điểm này là việc Nhà Trắng cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng thừa nhận nhiệm vụ giải quyết vấn đề biên giới” - Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn nói.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa J.D. Vance thậm chí còn rời khỏi cuộc gặp trước thời gian kết thúc. Ông Vance nói rằng dù ông Zelensky cung cấp cho các thượng nghị sĩ “bản cập nhật về các cột mốc chiến lược” của lực lượng Ukraine trên chiến trường nhưng ông vẫn giữ quan điểm phản đối viện trợ cho Kiev.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Markwayne Mullin cho biết sẽ ủng hộ viện trợ cho Ukraine nếu việc này gắn liền với chính sách biên giới cứng rắn hơn.
Tuy nhiên, ông Mullin lưu ý rằng hy vọng về một thỏa thuận viện trợ vẫn còn mong manh nếu không có sự nhượng bộ sâu hơn từ chính quyền Tổng thống Biden.
“Không có khả năng một gói viện trợ cho Ukraine và Israel sẽ được Hạ viện thông qua mà không có chính sách an ninh biên giới thực sự có ý nghĩa. Những đảng viên Cộng hòa Thượng viện sẽ sát cánh cùng đảng Cộng hòa tại Hạ viện để làm điều đó” - ông Mullin nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tommy Tuberville chỉ bình luận về viện trợ Ukraine bằng một câu ngắn gọn: “Chúng tôi hết tiền”.
Về phía Hạ viện Mỹ, Tổng thống Zelensky ngày qua cũng có cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson (thuộc đảng Cộng hòa).
Sau cuộc gặp, ông Johnson nói rằng thỏa thuận viện trợ cho Ukraine giữa Nhà Trắng và Hạ viện khó có thể đạt được vì phản ứng của chính quyền ông Biden với các yêu cầu của Hạ viện là không đủ, đặc biệt trong vấn đề biên giới.
“Tôi đã yêu cầu Nhà Trắng kể từ ngày tôi nhậm chức Chủ tịch Hạ viện rằng chúng tôi cần có sự trình bày rõ ràng về chiến lược để Ukraine giành chiến thắng. Tuy nhiên, cho đến nay, phản hồi từ Nhà Trắng vẫn chưa đầy đủ”.
Gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine và phản ứng của Nga
Ngay sau chuyến thăm của ông Zelensky, Tổng thống Biden công bố gói viện trợ mới trị giá 200 triệu cho Ukraine.
Gói này bao gồm đạn dược bổ sung cho hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS), tên lửa chống bức xạ HARM, hệ thống chống thiết giáp, đạn pháo, 4 triệu viên đạn súng trường, máy phát điện và nhiều thiết bị khác.
Theo Tổng thống Biden, gói này chỉ là một phần nhỏ trong số 60 tỉ USD mà chính quyền Mỹ đề xuất cho Ukraine và ông sẵn sàng nhượng bộ về vấn đề biên giới để thỏa thuận viện trợ tại quốc hội diễn ra đúng hướng.
Tuy nhiên, ông Biden cảnh báo quốc hội cần khẩn trương thông qua gói viện trợ cho Ukraine vì “chiến thắng của Nga có thể gây ra sự thất bại hàng loạt đối với các chuẩn mực và giá trị dân chủ trên khắp châu Âu và thế giới”.
Nga "chú ý" chuyến thăm của ông Zelensky đến Mỹ
Từ trước cuộc gặp giữa ông Biden và ông Zelensky, Điện Kremlin đã nói rằng Nga “rất chú ý” theo dõi những diễn biến của cuộc gặp.
Người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov ngày 12-12 cho rằng kết quả cuộc gặp sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến tuyến ở Ukraine cũng như tiến triển của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga.
“Hàng chục tỉ USD bơm vào Ukraine không giúp nước này đạt được bất kỳ thành công nào trên chiến trường. Hàng chục tỉ USD khác mà Ukraine muốn bơm vào nền kinh tế của nước này cũng sẽ gặp phải thất bại tương tự” - ông Peskov nhấn mạnh.