5 vũ khí mạnh nhất của Iran mà các đối thủ nên dè chừng

(PLO)- Gần đây, các vụ tấn công của nhóm thân Iran vào lực lượng Mỹ ở Syria đã khiến các chuyên gia chú ý đến năng lực quân sự ngày càng tăng của Tehran. Điểm qua 5 loại vũ khí mạnh nhất của Iran mà các đối thủ của nước này nên dè chừng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tuần qua, các chiến binh do Iran hậu thuẫn đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhắm vào lực lượng Mỹ ở Syria khiến 1 nhà thầu Mỹ thiệt mạng và nhiều binh sĩ bị thương.

Tháng trước, Iran đã tiết lộ một căn cứ không quân dưới lòng đất có tên gọi “Eagle 44” và cảnh báo: “Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran từ những đối thủ của chúng tôi, bao gồm cả Israel, sẽ nhận được sự đáp trả từ nhiều căn cứ không quân, trong đó có Eagle 44”.

Các động thái trên cùng với việc Iran đang có các bước đột phá về hạt nhân khiến các chuyên gia cho rằng khả năng chiến đấu của Tehran cần được coi trọng hơn. Dưới đây là một số vũ khí “chết người” của Iran mà đối thủ của nước này cần phải dè chừng, theo trang 19FortyFive.

UAV cảm tử Shahed-136

Máy bay không người lái Kamikaze Shahed-136. Ảnh: 19FORTYFIVE

Máy bay không người lái Kamikaze Shahed-136. Ảnh: 19FORTYFIVE

Tháng 9-2022, UAV cảm tử Shahed-136 liên tục được nhắc tới khi Ukraine cáo buộc Iran cung cấp UAV này cho quân đội Nga để Moscow tấn công vào các mục tiêu dân sự và quân sự của Kiev.

Cả Iran và Nga đều phủ nhận cáo buộc. Tuy nhiên, điều đáng chú ý trong câu chuyện này là sức mạnh của Shahed-136.

Shahed-136 thuộc loại vũ khí trên không được gọi là “đạn lảng vảng” hay “UAV cảm tử”. Vũ khí này có khả năng “chờ đợi” xung quanh khu vực mục tiêu cho đến khi nhận được lệnh tấn công, sau đó chúng lao vào mục tiêu và kích nổ.

Theo trang web quân sự Military Factory, mỗi chiếc Shahed-136 nặng 200kg, sải cánh 2,5m, có tầm hoạt động lên đến 2.500 km. UAV này do Công ty chế tạo máy bay quốc doanh Iran sản xuất và được đưa vào sử dụng từ năm 2021.

Đáng chú ý, lợi thế chiến lược của loại vũ khí này nằm ở chỗ chúng có thể được sản xuất hàng loạt với chi phí tương đối thấp. Mặc dù các hệ thống phòng không tiên tiến có thể bắn hạ hầu hết những chiếc Shahed trước khi chúng tiếp cận mục tiêu, nhưng sẽ rất khó để có đủ thiết bị bắn hạ hết các UAV này. Thêm vào đó, chi phí bắn hạ một UAV cảm tử tốn kém hơn nhiều so giá của chiếc UAV bình thường.

Tháng 9-2019, một loạt tên lửa hành trình và UAV cảm tử đã lao xuống các mỏ dầu ở Saudi Arabia. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ việc.

Những năm qua, tại Syria và Iraq, các nhóm chiến binh có liên kết với Iran thường xuyên sử dụng UAV cho các đợt tấn công. Chỉ riêng trong năm 2023, các nhóm này đã triển khai nhiều đợt tấn công bằng UAV nhắm vào tài sản của Mỹ trong khu vực.

Tên lửa Sejjil

Tên lửa Sejjil tại một nhà máy của Iran. Ảnh: FARS

Tên lửa Sejjil tại một nhà máy của Iran. Ảnh: FARS

Kể từ khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) năm 2018, Tehran đã đẩy mạnh phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của mình.

Tên lửa Sejjil có chiều dài 18 m, đường kính 1,25 m. Dòng tên lửa này là tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất Iran, nó có thể mang đầu đạn khoảng 700kg với tầm bắn 2.000km.

Vì sử dụng nhiên liệu rắn nên có thể rút ngắn thời gian sẵn sàng chiến đấu từ vài giờ xuống còn vài chục phút. Ngoài ra, Sejjil được thiết kế theo để hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ và hệ thống chống tên lửa Arrow 3 của Israel không thể phá hủy.

Phiên bản nâng cấp của Sejjil là Sejjil-2 đã được thử nghiệm vào năm 2009. Phiên bản này sở hữu hệ thống định vị mới và các cảm biến giúp tăng độ chính xác lên nhiều lần so với phiên bản trước đó.

Tàu ngầm lớp Kilo

Tàu ngầm lớp Kilo. Ảnh: 19FORTYFIVE

Tàu ngầm lớp Kilo. Ảnh: 19FORTYFIVE

Tàu ngầm lớn nhất và tiên tiến nhất của Iran là 3 chiếc Kilo chạy bằng điện và diesel, mỗi chiếc nặng 3.000 tấn. Ít nhất 2 trong 3 chiếc này luôn sẵn sàng hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào.

Hải quân Mỹ gọi dòng tàu ngầm này là “Hố đen” vì sự im lặng gần như tuyệt đối của nó khi chạy dưới nước. Hình dạng cùng với thiết kế chống rung của các tàu ngầm Kilo khiến việc xác định vị trí của nó vô cùng khó khăn.

Mặc dù sở hữu khả năng đáng kể, nhưng tàu ngầm lớp Kilo có một nhược điểm lớn đó là Hải quân Iran không thể triển khai các tàu này ở tất cả các vùng biển ngoài khơi bờ biển Iran. Nguyên nhân là vì phần lớn vùng biển ở vùng Vịnh rất nông nên không đạt yêu cầu độ sâu 50m của tàu ngầm.

Iran đang tích cực mở rộng và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của mình. Ban đầu, không có tàu ngầm nào của Iran có khả năng phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình. Bắt đầu từ những năm 1990, Tehran đã khởi động một chương trình mua hoặc tự sản xuất mìn và ngư lôi cho tất cả các tàu ngầm.

Tàu ngầm lớp Ghadir

Tàu ngầm lớp Ghadir. Ảnh: IRAN STATE MEDIA

Tàu ngầm lớp Ghadir. Ảnh: IRAN STATE MEDIA

Iran được cho là sở hữu 23 tàu ngầm mini lớp Ghadir.

Mặc dù các tàu này có thể không hoạt động êm ái như các tàu lớp Kilo, nhưng chúng thực sự có thể đi qua toàn bộ vùng Vịnh. Khả năng này là tối quan trọng với Tehran vì Eo biển Hormuz - cửa ngõ chiến lược lưu thông 1/5 sản lượng dầu thế giới mỗi năm, “át chủ bài” của Iran trong xung đột với Mỹ - nằm trên vùng biển thuộc vùng Vịnh.

Lực lượng ủy nhiệm

Mặc dù xét về mặt kỹ thuật thì đây không phải là vũ khí, nhưng lực lượng dân quân trung thành của Iran trên khắp khu vực có lẽ chính là vũ khí đáng gờm nhất của Tehran.

Tehran đã tiếp tục củng cố vị thế của mình ở một số nước láng giềng nhờ vào các nhóm ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn hoạt động ở Lebanon, Iraq, Syria, Yemen và Dải Gaza.

Được Iran cung cấp vũ khí, những nhóm chiến binh này đã tích cực tiến hành các cuộc tấn công tại khu vực trong nhiều năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm