Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nước này sẽ hoàn tất quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo vệ thủ đô Moscow vào cuối năm nay.
Theo trang The EurAsian Times, ông Shoigu cho biết đến cuối năm 2023, Nga sẽ thành lập một sư đoàn phòng không, một lữ đoàn phòng không và phòng thủ tên lửa đặc thù, một trung đoàn phòng không trang bị tổ hợp tên lửa đất đối không S-350, một trạm radar giám sát không gian Razvyazka và một lữ đoàn tác chiến đặc biệt.
Nga khẩn trương hiện đại hóa khả năng phòng không
Bắt đầu từ năm 2020, một phần quan trọng trong chương trình Vũ khí Nhà nước của Nga là tập trung vào phát triển năng lực phòng thủ hàng không vũ trụ. Nga đã chi gần 44,3 tỉ USD cho chương trình kể từ khi bắt đầu vào năm 2011, trong đó nỗ lực nâng cấp năng lực phòng thủ hàng không vũ trụ chiếm 17,5%.
UAV trinh sát Tupolev Tu-141. Ảnh: THE EURASIAN TIMES |
Việc hiện đại hóa khả năng phòng không của Nga trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi máy bay không người lái (UAV) tầm xa của Ukraine tiếp tục tấn công các vị trí của Nga.
Chẳng hạn, Nga gần đây thông báo UAV 141 Strizh của Ukraine đã bị bắn rơi tại một thị trấn cách Moscow chỉ 180 km. Đây là UAV trinh sát tầm xa tốc độ cao có từ thời Liên Xô, có trong kho vũ khí của Ukraine từ năm 2014. Do không có rocket và tên lửa tầm xa, quân đội Ukraine được cho đã tái sử dụng những UAV này, sửa đổi chúng với các đầu đạn nổ để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.
Với tầm hoạt động khoảng 1.000 km, những UAV trên trước đây được Ukraine sử dụng để tấn công căn cứ không quân chiến lược Engels và Dyagilevo của Nga vào ngày 5-12-2022 và ngày 26-12-2022.
Hồi tháng 1, nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy quân đội Nga đã bố trí hệ thống phòng không Pantsir trên nóc một số tòa nhà quốc phòng và hành chính ở trung tâm Moscow.
Tháng trước, một UAV cỡ nhỏ UJ-22 của Ukraine được cho rơi ở bìa rừng gần một trạm nén khí ở làng Gubastovo, cách đông nam Moscow gần 100 km.
Mặc dù các cuộc tấn công bằng UAV không gây ra thiệt hại đáng kể, song số lượng và quy mô của những cuộc tấn công này đã tô đậm sự dễ tổn thương của Nga và khiến Moscow phải chú ý đến việc tăng cường kiến trúc phòng không.
Tấm chắn phòng không của Moscow
Theo trang Defense News, Chương trình Vũ khí nhà nước của Nga dự định triển khai 800 bệ phóng tên lửa S-400, S-350 và S-500 trong 100 tiểu đoàn.
Hệ thống phòng không S-500. Ảnh: THE EUASIAN TIMES |
Hiện tại, Tập đoàn quân Phòng không và phòng thủ tên lửa số 1 – lực lượng bảo vệ thủ đô Moscow và khu công nghiệp trung tâm – nằm dưới sự chỉ huy của lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga. Các trung đoàn của Tập đoàn Quân phòng không và phòng thủ tên lửa số 1 được trang bị hệ thống S-300 hoặc S-400. Nga khẳng định cả hai hệ thống này đã chứng minh được hiệu quả cao. Dẫu vậy, Bộ trưởng Shoigu cho biết lực lượng này chuẩn bị tiếp nhận hệ thống S-350.
S-350 Vityaz là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung, ra mắt lần đầu tại triển lãm hàng không MAKS năm 2013. Tên lửa đánh chặn dùng cho hệ thống S-350 là tên lửa dẫn đường 9M96. Hệ thống này có thể được triển khai để chống lại các mối đe dọa đạn đạo và trên không trong phạm vi 1,5 km đến 120 km và ở độ cao 10 m đến 30.000 m.
Hồi tháng 2, nhà phân tích quân sự hàng đầu của Nga – ông Alexander Mikhailov nói hệ thống tên lửa đất đối không S-350 Vityaz mới nhất của Nga chính xác hơn và rẻ hơn nhiều so với hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ.
“Patriot không bắn hạ được các mục tiêu đang bay ở độ cao dưới 100 m, trong khi đó S-350 Vityaz có thể hạ gục mục tiêu ở độ cao 10 m và cao hơn” – chuyên gia Mikhailov nói với hãng tin TASS.
Bên cạnh đó, Nga sẽ biên chế cho Tập đoàn quân sự hàng không vũ trụ số 15 các hệ thống S-500. Theo bản cập nhật mới nhất của Chương trình Vũ khí Nhà nước của Nga (còn gọi là GPV-2027), các quỹ của chương trình sẽ chi cho sản xuất hệ thống này.
Hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga. Ảnh: WIKIPEDIA |
Hồi tháng 4-2022, ông Yan Novikov, giám đốc điều hành của công ty công nghệ quốc phòng Almaz-Antey của Nga cho hay hệ thống S-500 Prometheus đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Năm 2021, Bộ Quốc phòng Nga và công ty Almaz-Antey đã ký hợp đồng cung cấp hơn 10 khẩu đội S-500 và kế hoạch bàn giao sẽ được thực hiện vào năm 2022. Tuy nhiên, năm ngoái không có đợt bàn giao nào được thực hiện như kế hoạch ban đầu trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
The S-500 Prometheus là hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ kế tiếp với tầm bắn 600 km, được thiết kế để đánh chặn và bắn hạ máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Chương trình Vũ khí Nhà nước của Nga cũng dự kiến đến năm 2027 sẽ hoàn tất quá trình phát triển hệ thống phòng không S-550. Kế hoạch được cho bao gồm phát triển S-550 với tầm bắn mở rộng, khả năng phát hiện và theo dõi vũ khí của đối phương tốt hơn so với các hệ thống S-400 và S-500. Lực lượng hàng không vũ trụ sẽ nhận được S-550 vào năm 2025, song Nga chưa công bố các vụ thử.
Ngoài ra, Bộ trưởng Shoigu còn thông báo Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt trạm kiểm soát không gian Razvyazka vào tình trạng báo động chiến đấu trong năm nay. Trạm Razvyazka sẽ thay thế cho trạm radar tầm xa Dunai-3U vốn được đưa vào sử dụng từ năm 1978 cho tới đầu những năm 2000.
Trạm radar cảnh báo sớm Razvyazka sẽ bổ sung và hỗ trợ cho trạm radar Don-2N hiện tại hoạt động tại khu vực Moscow từ năm 1989 và gần đây đã được nâng cấp.