Ba Lan và Slovakia cam kết sẽ cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 ra đời từ thời Liên Xô cho Ukraine nhằm giúp nước này tăng cường sức mạnh không quân. Dù vậy, các nhà lãnh đạo Ukraine vẫn đang tìm kiếm những máy bay chiến đấu do phương Tây chế tạo.
Theo trang Business Insider, các quan chức và chuyên gia lo ngại việc cung cấp những máy bay phương Tây và quá trình chuẩn bị cho Ukraine sử dụng sẽ mất nhiều thời gian do binh sĩ Ukraine cần được huấn luyện bài bản về vận hành và bảo dưỡng. Đó là chưa kể những máy bay này sẽ khó vượt qua thách thức khi đối đầu máy bay và hệ thống phòng không của Nga.
Ukraine hối phương Tây gửi máy bay, đặc biệt F-16
Tổng thống Ba Lan – ông Andrzej Duda hôm 16-3 cho hay Warsaw sẽ gửi hơn 10 tiêm kích MiG-29 cho Ukraine, 4 chiếc đầu tiên sẽ đến trong vài ngày tới. Một ngày sau đó, tức ngày 17-3, Slovakia thông báo sẽ chuyển giao cho Ukraine 11 chiếc MiG-29 đã nghỉ hưu và một vài chiếc trong số này có thể sẽ được dùng để lấy phụ tùng thay thế.
Những chiếc MiG-29 của Ba Lan và Slovakia sẽ giúp bổ sung cho phi đội của Ukraine và cũng khá quen thuộc với phi công Ukraine, nhưng chúng không có nhiều tính năng vượt trội hơn những chiếc MiG-29 hiện tại của Ukraine. Kiev tiếp tục hối thúc các quốc gia phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu, đặc biệt là tiêm kích F-16.
“Ukraine đã có lúc yêu cầu chúng tôi cung cấp 128 máy bay thế hệ thứ tư, gồm F-15, F-18 và F-16” – ông Colin Kahl, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách cho biết.
Tiêm kích F-16 của Không quân Mỹ. Ảnh: Tech. Sgt. Matthew Lotz/ US AIR FORCE |
Ông Kahl cho biết thêm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần khẳng định không có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Trong bài phát biểu hôm 24-2, ông Biden nói Ukraine không cần F-16 lúc này. Nhà Trắng cho biết thông báo của Ba Lan không làm thay đổi tính toán của Mỹ.
Một số động thái khác cho thấy Mỹ đang xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu họ cung cấp máy bay cho Ukraine. Hồi đầu tháng 3, hai phi công của Ukraine đã có mặt tại một căn cứ ở TP Tucson (bang Arizona, Mỹ) để tham dự một sự kiện mà một quan chức quốc phòng Mỹ mô tả là “sự kiện làm quen” liên quan đến đánh giá khả năng của họ trong việc lái máy bay Mỹ, theo đài NBC News.
Theo Tướng Mark Kelly, Tư lệnh Bộ chỉ huy tác chiến trên không Mỹ cho rằng việc cung cấp tiêm kích F-16 hoặc các máy bay chiến đấu khác do phương Tây thiết kế cho Ukraine sẽ đòi hỏi nhiều hơn chứ không chỉ là ở việc đánh giá năng lực của phi công.
Nhiệm vụ khó khăn
Ông Kelly nói rằng F-16 sẽ cho phép các phi công Ukraine bay thường xuyên hơn và làm quen với nhiều vũ khí và cảm biến.
Máy bay chiến đấu MiG-29 của Ba Lan tại căn cứ không quân ở Malbork (Ba Lan) tháng 8-2021. Ảnh: Cuneyt Karadag/ANADOLU AGENCY/GETTY IMAGES |
Ông Kelly cho rằng khi sở hữu tiêm kích F-16, Ukraine có thể gia tăng tỉ lệ xuất kích, tăng khả năng làm quen và vận hành vũ khí phương Tây, trong đó có tên lửa chống radar mà các kỹ sư Mỹ từng nỗ lực tìm cách trang bị cho máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô của Ukraine. Máy bay F-16 có cảm biến tốt hơn, khả năng xử lý thông tin tốt hơn, đồng nghĩa giúp tăng khả năng sống sót của phi công.
Tuy nhiên, việc duy trì những lợi thế đó sẽ không chỉ đòi hỏi sự đào tạo chuyên sâu dành cho các phi công Ukraine mà còn cần đảm bảo xuyên suốt các nguồn lực khác từ phụ tùng thay thế đến nhà chứa máy bay.
Ông Kelly nói nếu Mỹ hoặc quốc gia NATO khác quyết định cung cấp F-16 cho Ukraine thì câu hỏi đầu tiên đặt ra là họ sẽ sử dụng kho bảo dưỡng nào. Đó là công việc khó khăn. Ở Bỉ và Ba Lan đều có các kho bảo dưỡng nhưng cần phải đăng ký trước. Ngoài ra, việc đảm bảo chuỗi cung ứng cũng không phải là công việc dễ dàng.
Ông John Baum, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell, cho rằng các sân bay của Ukraine cũng cần được cải tạo lại để tương thích với F-16.
“Không giống máy bay do Nga sản xuất, máy bay do Mỹ sản xuất sẽ cần thiết bị hỗ trợ mặt đất rất cụ thể. Việc đào tạo nhân viên mặt đất cũng như quá trình cất cánh và hạ cánh máy bay phức tạp hơn, song thiết bị hỗ trợ mặt đất sẽ là chìa khóa” – ông Baum, cựu phi công lái tiêm kích F-16, nói.
Việc đáp ứng nhu cầu sân bay cho F-16, trong đó có mở rộng hoặc kéo dài đường băng, có thể sẽ là một thách thức lớn cho Ukraine trong bối cảnh Nga thường xuyên tiến hành không kích. Bên cạnh đó, F-16 cũng cần được kiểm tra định kỳ. Thường là sau vài trăm giờ bay, máy bay này phải được tháo rời để kiểm tra hoặc thay thế các bộ phận.
“Có những quốc gia đang vận hành F-16, trong đó có Mỹ, trong hàng thập niên đã có cho họ lịch trình bảo dưỡng và chuỗi cung ứng riêng” – ông Baum nói thêm.
Quá trình kiểm tra và sửa chữa sâu rộng sẽ gặp khó khăn vì Nga có khả năng tấn công các sân bay của Ukraine. Ông Baum nhấn mạnh sự hỗ trợ và cung cấp từ nhà sản xuất F-16 – Tập đoàn Lockheed Martin cũng sẽ rất quan trọng. Tuy nhiên, công ty này hiện dành thời gian và nguồn lực để hỗ trợ cho hơn 20 quốc gia khác đang vận hành tiêm kích F-16.
Khó thoát khỏi tình thế nguy hiểm
Hồi tháng 2, ông Kahl, nói với các nhà lập pháp rằng ngay cả thời hạn nhanh nhất để chuyển giao F-16 cũng sẽ tương đương thời gian huấn luyện phi công Ukraine vận hành tiêm kích này, ước tính là 18 tháng.
Nhân viên mặt đất hướng dẫn tiêm kích MiG-29 của Ukraine trong một khóa huấn luyện ở căn cứ không quân ngoại ô thủ đô Kiev tháng 11-2016. Ảnh: Danil Shamkin/NURPHOTO/ GETTY IMAGES |
Trong khi đó, ông Baum – từng là phó chủ tịch của công ty Draken International, nhà thầu chuyên cung cấp dịch vụ máy bay quân sự - cho rằng quá trình mua máy bay, huấn luyện phi công Ukraine và nhân viên bảo trì, sau đó chuyển giao cho Ukraine có thể mất từ 18 tháng đến 24 tháng.
Cũng theo ông Baum, quá trình chuyển giao có thể được rút ngắn nhưng các hoạt động dài hạn như cung cấp vật tư, bảo trì và thậm chí đào tạo chuyên sâu cho phi công phải được đảm bảo liên tục.
Ông Baum cho biết các phi công dày dạn kinh nghiệm sẽ cần ít nhất một khóa huấn luyện 4 tháng để có thể điều khiển F-16. Các nhân viên bảo trì giàu kinh nghiệm có thể sẽ cần một khoảng thời gian tương tự để làm quen với các bộ phận và thiết bị điện tử tiên tiến của F-16.
Giới phân tích cho rằng ngay cả khi nhận được tiêm kích F-16 trong thời gian ngắn thì Ukraine vẫn sẽ phải đối đầu lực lượng không quân Nga không mạnh hơn về quy mô mà còn sở hữu nhiều máy bay hiện đại và vũ khí tiên tiến hơn.
Tướng Kelly nói không chỉ riêng F-16 mà bất kỳ máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nào như Rafale hay Eurofighter đều phải đối mặt vấn đề tương tự khi tham chiến tại Ukraine. Không quân Nga vẫn duy trì được sức mạnh khá lớn và rất đáng tin cậy trong hoạt động tấn công.
Ông Kelly lưu ý: “Ukraine chưa thể thoát khỏi tình thế nguy hiểm. Việc sở hữu những máy bay được sản xuất ở Fort Worth hay St.Louis tại Pháp hay tại châu Âu không có nghĩa là họ sẽ có thể áp đảo khả năng sát thương của các hệ thống phòng không Nga”.