Quân đội Ukraine đã sử dụng súng máy Maxim, một vũ khí thường gắn liền với Chiến tranh thế giới thứ nhất, để chống lại cuộc tấn công của quân đội Nga trong trận chiến ở Bakhmut, theo trang Business Insider.
“Vũ khí này thực sự hiệu quả. Chúng tôi sử dụng nó hằng tuần” – một binh sĩ Ukraine có tên Borys nói về súng máy Maxim.
Súng máy Maxim được sử dụng gần vùng Kharkiv (Ukraine). Ảnh: Mykhaylo Palinchak |
Theo Telegraph, súng máy Maxim do Hiram Stevens Maxim phát minh vào năm 1884, là súng máy hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới.
Với tốc độ bắn 600 phát mỗi phút, khẩu súng này cần được giảm nhiệt bằng nước xung quanh nòng súng để tránh bị quá nóng. Súng nặng khoảng 30 kg, chưa bao gồm bộ phận chứa nước và đạn dược, và cần tới 4 người để vận hành.
Phiên bản Maxim M1910 được giới thiệu vào năm 1910 và được quân đội Đế quốc Nga sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Quân đội Ukraine đánh giá súng máy Maxim M1910 hiệu quả trong cuộc chiến chống quân đội Nga, theo trang Task and Purpose.
Một binh sĩ của Ukraine nói với Telegraph: “Tôi đã nhiều lần nhìn thấy súng máy Maxim. Mặc dù lâu đời nhưng đây vẫn là một vũ khí đáng gờm, điều quan trọng là không được quên châm thêm nước”.
Người này nói thêm Maxim là vũ khí khá hiệu quả trong tay những người biết cách vận hành.
Theo đài RT, súng máy Maxim từng được quân đội Anh sử dụng ở châu Phi và quân đội Nga sử dụng trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905. Vũ khí này bị coi là lỗi thời trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và quân đội Anh chuyển sang sử dụng súng máy Vicker có trọng lượng nhẹ hơn.
Maxim có trong kho vũ khí của quân đội Ukraine kể từ khi nước này là một phần của Đế quốc Nga. Maxim từng được sử dụng trên tiền tuyến ở Donbass từ năm 2022.
“Nga có pháo binh, phương tiện bọc thép và lực lượng của họ đông hơn chúng tôi gấp 5-6 lần. Chúng tôi chỉ có súng máy và súng chống tăng RPG từ năm 1986, súng máy Degtyarov từ năm 1943 và súng máy Maxim từ năm 1933” – một trung sĩ Ukraine gần TP Severodonetsk nói.
Riêng Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn 37 tỉ USD vũ khí và đạn dược kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh kho dự trữ đạn dược của phương Tây đang cạn, các cố vấn Mỹ hướng dẫn quân đội Ukraine tiết kiệm đạn dược nếu muốn tiến hành một cuộc phản công vào mùa xuân này.
Giới chức quân sự phương Tây cũng khuyên Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky không nên để quân Ukraine bám trụ ở Bakhmut. Mỹ đánh giá Bakhmut không quan trọng về mặt chiến lược nhưng đây là trung tâm hậu cần quan trọng đối với quân đội Ukraine. Kiểm soát Bakhmut sẽ dọn đường cho quân đội Nga tiến về phía Kramatorsk và Slavyansk, hai TP nằm cuối cùng trong một loạt tuyến phòng thủ kiên cố do Ukraine xây dựng kể từ năm 2014.