Liệu Nga có mở thêm căn cứ quân sự tại Syria?

(PLO)- Tổng thống Syria - ông Bashar Al-Assad mời Nga tăng số lượng căn cứ quân sự và lính tại Syria trong bối cảnh Nga đang giảm hiện diện quân sự ở khu vực này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hồi giữa tháng 3, trong chuyến thăm Nga, Tổng thống Syria - ông Bashar al-Assad nói rằng ông hoan nghênh bất kỳ đề xuất nào của Nga về việc xây dựng các căn cứ quân sự mới và tăng số lượng lính Nga ở quốc gia Trung Đông này về lâu dài.

"Chúng tôi tin rằng nếu Nga muốn mở rộng hoặc tăng số lượng căn cứ, thì đó là vấn đề kỹ thuật hoặc hậu cần. Nếu Nga có mong muốn như vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc mở rộng sự hiện diện của Nga ở Syria là một điều tốt… Sự hiện diện quân sự của Nga ở bất kỳ quốc gia nào không nên là sự tạm thời” - ông al-Assad nói với hãng thông tấn RIA trong một cuộc phỏng vấn.

Hiện Nga vẫn chưa có phản hồi nào về lời đề nghị này.

Nga đang giảm hiện diện tại Syria

Lời mời của ông al-Assad được đưa ra trong bối cảnh Nga đang giảm hiện diện quân sự tại Syria. Tờ The Moscow Times hồi tháng 5-2022 đưa tin Nga đã bắt đầu rút một số lực lượng quân sự khỏi Syria và đang tập trung lực lượng tại 3 sân bay trước khi chuyển đến mặt trận Ukraine.

Đến tháng 10-2022, tờ The New York Times dẫn lời 2 nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây và 1 quan chức quốc phòng cấp cao Israel đề nghị không nêu tên, nói rằng Moscow đã chuyển một số lính và hệ thống phòng không ra khỏi Syria.

Trong khi 2 quan chức cho rằng Nga có thể đã rút 2 tiểu đoàn, hoặc từ 1.200 đến 1.600 lính thì người còn lại cho rằng số lính rút đi nhiều hơn con số này. Tuy nhiên, các quan chức đều có chung ý kiến rằng số lượng quân chiến đấu đã giảm.

Lực lượng cảnh sát Nga ở TP Qamishli, Syria hồi năm 2020. Ảnh: Delil Souleiman/AFP

Lực lượng cảnh sát Nga ở TP Qamishli, Syria hồi năm 2020. Ảnh: Delil Souleiman/AFP

Quan chức Israel cũng nói rằng một số chỉ huy Nga đã được chuyển từ Syria sang Ukraine, trong khi giới lãnh đạo quân sự Nga ở Moscow đã ít tham gia hơn vào việc quản lý các hoạt động hàng ngày ở Syria, bao gồm việc phối hợp quân sự với Israel.

Ông Nikita Smagin thuộc viện nghiên cứu Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) cho rằng dù Nga đang rút một số lực lượng khỏi Syria nhưng không có nghĩa là Nga sẽ rời khỏi Syria hoàn toàn.

Theo ông Smagin, những thông tin về việc giảm mạnh sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria nên được coi là muối bỏ bể. Nói cách khác, việc di chuyển một số đơn vụ đến mặt trận Ukraine hầu như không làm giảm khả năng chiến lược của Moscow trong khu vực.

Quân đội Nga hiện ít tham gia vào các hoạt động quân sự hơn ở Syria đơn giản vì giai đoạn tích cực của cuộc xung đột Syria đã kết thúc. Tuy nhiên, các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria vẫn tiếp tục và các cuộc tập trận chung giữa Nga và quân đội của Tổng thống Assad vẫn diễn ra.

Ông cho rằng đối với Nga, Syria là một “tài sản quý giá” trong các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Israel. Ngoài ra, Syria có thể là một chủ đề đối thoại tiềm năng với Mỹ, điều này đặc biệt quan trọng do có rất ít chủ đề thảo luận mở cho hai nước vào thời điểm này.

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria

Nga hiện có 2 căn cứ quân sự ở Syria là căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus.

Theo báo cáo của viện nghiên cứu Institute of New Europe có trụ sở tại Ba Lan, căn cứ không quân Hmeimin nằm gần sân bay Latakia, phía tây Syria, bên bờ biển Địa Trung Hải. Đây là căn cứ quân sự chính mà Nga sử dụng trong nội chiến Syria.

Kể từ năm 2017, Nga quyết định chuyển căn cứ quân sự này thành căn cứ thường trực ở Syria. Từ đó, đường băng và cơ sở hạ tầng ở đây đã được mở rộng. Vào tháng 7-2020, Syria đã cho Nga thêm 16 héc ta đất để mở rộng căn cứ quân sự này.

Các căn cứ quân sự Nga và các căn cứ Syria mà Nga thỉnh thoảng sử dụng tại Syria. Ảnh: Institute of New Europe

Các căn cứ quân sự Nga và các căn cứ Syria mà Nga thỉnh thoảng sử dụng tại Syria. Ảnh: Institute of New Europe

Căn cứ này có trạm kiểm soát không lưu, các tòa nhà ở cho lính, nhà kho, trạm nhiên liệu và một đội cứu hỏa. Các căn cứ được trang bị tên lửa S-400, hệ thống tên lửa Pancyr-S1 nhằm chống tấn công đường không. Các chiến đấu cơ đóng ở đây gồm Su-35, Su-33 và MiG-29.

Còn căn cứ hải quân Tartus nằm bờ biển Địa Trung Hải, được sử dụng từ thời Liên Xô trước đây và đây là căn cứ hải quân duy nhất của Moscow ở vùng biển này. Hiện tại có khoảng 2.000 lính Nga đóng quân tại căn cứ Tartus.

Kể từ năm 2016, cơ sở đã được hiện đại hóa và được trang bị tên lửa phòng không S-300, S-400 và tên lửa chống hạm P-800 Onyx.

Căn cứ này được giới chuyên gia đánh giá là sẽ giúp củng cố vị thế và ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông. Đồng thời cho phép Nga thực hiện những chiến dịch chiến lược ở Địa Trung Hải trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài hai căn cứ quân sự được thuê và do Nga vận hành hoàn toàn này còn có hai căn cứ không quân Syria mà Nga cũng thỉnh thoảng sử dụng từ năm 2015. Đây là căn cứ không quân al-Shayrat và Tiyas. Cả hai sân bay đều nằm trong vùng lân cận của TP Homs.

Hồi tháng 1-2023, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga và Syria đã khôi phục căn cứ không quân quân sự al-Jarrah ở phía bắc Syria để sử dụng chung. Căn cứ này đã được tái chiếm từ các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2017.

Nga đã duy trì hiện diện quân sự đáng kể ở Syria và là đồng minh thân cận của chính quyền ông al-Assad trong cuộc nội chiến ở Syria. Cuộc nội chiến - giữa chính phủ ông al-Assad và các nhóm nổi dậy, bắt đầu sau cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ vào năm 2011.

Vào năm 2015, khi Nga bắt đầu can thiệp vào Syria, Nga đã hỗ trợ chính quyền ông al-Assad bằng cách tiến hành các cuộc tấn công vào các khu vực do phe đối lập nắm giữ. Sự hỗ trợ quân sự của Moscow dành cho ông al-Assad đã giúp ông giành được những lợi thế trên chiến trường.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong năm 2015-2018, 63.000 lính Nga đã đóng quân tại Syria, gần một nửa số lính đó là sĩ quan Nga.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm