50 năm quan hệ Việt-Úc: Chờ đón trái ngọt

50 năm quan hệ Việt-Úc: Chờ đón trái ngọt

(PLO)- Chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese cho thấy Úc đánh giá rất cao vị trí chiến lược và vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Canberra.

Nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Úc Anthony Albanese sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến ngày 04-6, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Úc nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác kinh tế và chiến lược ngày càng quan trọng đối với Úc ở Đông Nam Á, là khu vực trọng tâm của chính phủ Thủ tướng Albanese.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (trái) gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Campuchia hồi tháng 11-2022. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (trái) gặp Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Campuchia hồi tháng 11-2022. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Nhân sự kiện này, báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách thuộc ĐH Queensland (Úc) về ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Albanese cũng như thành tựu và tiềm năng của quan hệ Việt – Úc.

TS Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách thuộc ĐH Queensland (Úc). Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên của Trung tâm Tương lai chính sách thuộc ĐH Queensland (Úc). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuyến công du nhiều ý nghĩa của Thủ tướng Albanese

. Phóng viên: Đây là chuyến công du Việt Nam đầu tiên của ông Albanese kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Úc năm 2022, ông có thể nhận định về ý nghĩa chuyến thăm, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao?

+ TS Nguyễn Hồng Hải: Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ Việt – Úc, đó là 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Hai nước đã lên kế hoạch tiến hành nhiều hoạt động, trong đó có các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao hai bên, để kỷ niệm năm đặc biệt này. Tháng 4 vừa rồi, Toàn quyền Úc David Hurley đã có chuyến thăm cấp nhà nước sang Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Và, cuối tuần này như chúng ta biết, Thủ tướng Albanese sang thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp với Toàn quyền Úc David Hurley tại trụ sở chính phủ vào tháng 4. Ảnh: Nhật Bắc/VG

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp với Toàn quyền Úc David Hurley tại trụ sở chính phủ vào tháng 4. Ảnh: Nhật Bắc/VG

Thật hiếm khi chỉ trong hai tháng mà cả Toàn quyền và Thủ tướng Úc lại thực hiện chuyến thăm chính thức sang một quốc gia như Việt Nam, và trong quan hệ Việt – Úc thì đây cũng là lần đầu tiên diễn ra điều này. Nói như vậy để thấy, phía Úc rất coi trọng dấu mốc quan hệ ngoại giao với Việt Nam, song ý nghĩa hơn cả là Úc đánh giá rất cao vị trí chiến lược và vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Canberra với khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Úc về chuyến thăm Việt Nam có trích phát biểu của Thủ tướng Albanese rằng chuyến thăm chính thức lần đầu tiên của ông “là cơ hội để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và thống nhất về những vấn đề mới trong hợp tác kinh tế, thương mại và những lĩnh vực khác để đưa quan hệ mạnh mẽ hơn trong tương lai”. Thủ tướng Albanese là người có tình cảm với Việt Nam và trong nhiều dịp tiếp xúc với lãnh đạo Việt Nam và qua các kênh ngoại giao khác nhau đã bày tỏ mong muốn sang thăm Việt Nam.

Một điểm rất ý nghĩa khác của chuyến thăm này là trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam, hai bên chắc chắn sẽ khẳng định mong muốn nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược hiện nay lên thành Đối tác chiến lược toàn diện trong năm nay.

. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 4-2023, Toàn quyền Úc David Hurley và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhất trí trao đổi về việc nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vào thời gian phù hợp, liệu chuyến công du lần này của Thủ tướng Albanese có phải là thời điểm thích hợp để nâng cấp không, thưa ông?

+ Khi còn đương nhiệm, Thủ tướng Úc Scott Morrison là người hai lần đề xuất với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Sau đó, Úc có chính phủ mới do Thủ tướng Albanese lãnh đạo sau cuộc bầu cử tháng 5-2022. Khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức và gặp gỡ các nhà lãnh đạo Úc vào tháng 11 năm ngoái, hai bên đã khẳng định mong muốn nâng cấp quan hệ trong dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Và mong muốn này được lặp lại trong dịp Toàn quyền David Hurley sang thăm chính thức Việt Nam vào tháng 4 vừa qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) hội kiến Thủ tướng Úc Anthony Albanese trong chuyến thăm Úc vào tháng 11-2022. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải) hội kiến Thủ tướng Úc Anthony Albanese trong chuyến thăm Úc vào tháng 11-2022. Ảnh: TTXVN

Theo tôi được biết, hai bên đã hoàn tất và thống nhất về nội dung và nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, có thể thấy là hai bên về cơ bản đã sẵn sàng nâng cấp quan hệ và vấn đề chỉ còn là thời gian. Do đó, tôi chỉ mong là việc này diễn ra càng sớm càng tốt. Nếu hai bên không kịp thông báo nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm của Thủ tướng Albanese lần này, tôi hy vọng và tin rằng việc này sẽ diễn ra vào dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Úc dự kiến vào cuối năm nay.

Tương lai quan hệ Việt - Úc rất tươi sáng

. Nhân sự kiện Thủ tướng Úc sang thăm Việt Nam, chúng ta hãy nói về mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Úc trong 50 năm qua. Xin ông cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?

+ Quan hệ Việt – Úc trong 50 năm qua là mối quan hệ đặc biệt. Nếu nói về tình cảm, tôi thấy hiếm có nước thuộc thế giới phương Tây nào tốt với Việt Nam như Úc, mặc dù lúc này lúc khác và trong lĩnh vực này lĩnh vực khác cũng có những khác biệt. Tôi cho sự khác biệt đó là bình thường và không thể tránh khỏi bởi ngay anh em trong nhà với nhau còn có bất đồng và khác biệt nữa là hai nước có thể chế chính trị khác nhau và có sự khác biệt trong lịch sử.

Điểm lại quan hệ hai nước khi Việt Nam còn trong hoàn cảnh khó khăn thì mới thấy và trân trọng sự ủng hộ và hỗ trợ của Úc dành cho Việt Nam. Ví dụ, ngay khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Úc đã tích cực viện trợ nhân đạo và giúp Việt Nam tái thiết đất nước. Úc cũng ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1977. Khi Việt Nam tiến hành đổi mới, mở cửa hội nhập (từ năm 1986), Úc cũng là một trong số 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam, mặc dù tổng giá trị đầu tư lúc đó mới chỉ khoảng 300 triệu USD. Úc cũng tài trợ cho Việt Nam xây dựng cầu Mỹ Thuận và đến nay vẫn được coi là biểu tượng của quan hệ hữu nghị Việt - Úc.

Cầu Mỹ Thuận - biểu tượng của quan hệ Việt Nam và Úc. Ảnh: Chí Quốc/TUỔI TRẺ ONLINE

Cầu Mỹ Thuận - biểu tượng của quan hệ Việt Nam và Úc. Ảnh: Chí Quốc/TUỔI TRẺ ONLINE

Quan hệ đối tác Việt - Úc đã phát triển vượt bậc. Năm 2009, hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm Úc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, và năm 2018, hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược trong chuyến thăm Úc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Và, như tôi đã nói ở trên, năm nay hai nước sẽ nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược toàn diện.

Nhìn lại 50 năm qua có thể thấy quan hệ Việt – Úc đã phát triển hết sức ấn tượng, đi từ con số không đến sự đơm hoa kết trái rực rỡ, từ hạt giống non nớt đến trái ngọt thơm ngát - TS Nguyễn Hồng Hải

. Ông có thể điểm lại những lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa hai nước trong thời gian qua?

+ Trong quãng thời gian nửa thế kỷ này, có rất nhiều thành tựu trong quan hệ hai nước. Nhưng tôi chỉ nhất mạnh đến 3 trụ cột nổi bật nhất:

Kinh tế, thương mại và đầu tư: Hiện tại, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và ở chiều ngược lại Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Úc. Tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều đến cuối năm 2022 đạt xấp xỉ 16 tỉ USD, và riêng trong Quý I năm 2023 là 3,4 tỉ USD. Úc cũng có hơn 500 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ USD đang hoạt động ở Việt Nam, và ngược lại Việt Nam cũng có hơn 50 dự án với tổng vốn đầu tư là 600 USD đang hoạt động ở Úc.

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam - Úc lần thứ ba tổ chức vào tháng 4. Ảnh: NHÂN DÂN

Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam - Úc lần thứ ba tổ chức vào tháng 4. Ảnh: NHÂN DÂN

Tháng 4 vừa qua, bộ trưởng kinh tế và thương mại hai nước đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế Việt Nam - Úc lần thứ ba kể từ khi hai nước thông qua Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế năm 2021 nhằm đưa ra các biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế Việt Nam - Úc, đồng thời nhất trí thành lập cơ chế đối thoại cấp Bộ trưởng về Thương mại.

Giáo dục và đào tạo: Úc trở thành một trong những thị trường giáo dục nước ngoài thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất. Tính đến tháng 12-2022, có hơn 22.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở các cơ sở giáo dục khác nhau của Úc, chiếm 4% số lượng sinh viên quốc tế và đưa Việt Nam trở thành một trong số 5 nước hàng đầu có số sinh viên nhiều nhất đang theo học ở Úc.

Ông Nguyễn Đăng Thắng (thứ tư từ trái sang) - Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland - chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (Úc). Ảnh: Văn Linh/TTXVN

Ông Nguyễn Đăng Thắng (thứ tư từ trái sang) - Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, bang Nam Australia và bang Queensland - chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Hội sinh viên Việt Nam tại bang New South Wales (Úc). Ảnh: Văn Linh/TTXVN

Cho đến nay, ước tính có khoảng 80.000 cựu sinh Việt Nam đã theo học ở Úc, và xấp xỉ 15.000 sinh viên Úc sang Việt Nam theo các chương trình khác nhau, bao gồm Chương trình Colombo Mới.

An ninh và quốc phòng: Đây được xem là trụ cột hợp tác phát triển mạnh mẽ và sâu rộng giữa hai nước. Kể từ khi hai bên tổ chức Đối thoại song phương về các vấn đề an ninh khu vực vào tháng 4 năm 1998, và tiếp theo việc Úc cử tùy viên quốc phòng sang Hà Nội năm 1999 và Việt Nam cử tùy viên quốc phòng sang Canberra năm 2000, hai bên đã ký nhiều văn kiện, thiết lập các cơ chế, và tiến hành nhiều cuộc họp ở các cấp khác nhau nhằm thúc đẩy và làm sâu sắc sự hợp tác trên lĩnh vực này.

Các đại biểu tham gia Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng lần thứ 3 Việt Nam-Úc tại Canberra hồi tháng 2. Ảnh: Thanh Tú/TTXVN

Các đại biểu tham gia Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng lần thứ 3 Việt Nam-Úc tại Canberra hồi tháng 2. Ảnh: Thanh Tú/TTXVN

Các hoạt động hợp tác như vậy bao gồm tổ chức đối thoại song phương thường niên về hợp tác quốc phòng từ năm 2001; ký Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng năm 2010, tạo cơ sở cho đối thoại chiến lược về chính sách quốc phòng, huấn luyện quân sự, viện trợ nhân đạo, và cứu trợ thảm họa. Năm 2012, hai nước đã nâng cấp Đối thoại An ninh Khu vực lên thành Đối thoại Chiến lược cấp thứ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Việt Nam - Úc. Từ năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã tổ chức đối thoại thường niên và năm 2018 hai bên đã ký Tuyên bố Tầm nhìn Chung về Thúc đẩy Hợp tác Quốc phòng, trong đó nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và gìn giữ hòa bình. Hai nước đã tổ chức Đối thoại về An ninh cấp thứ trưởng lần thứ nhất năm 2018, và mới đây đã tổ chức Đối thoại về An ninh lần thứ ba sau ba năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.

. Ông nhận định như thế nào về triển vọng quan hệ song phương trong thời gian tới? Hai nước cần khai thác tiềm năng hợp tác như thế nào để thúc đẩy quan hệ phát triển hơn nữa?

+ Tôi hoàn toàn tin rằng tương lai quan hệ giữa hai nước là rất tươi sáng. Sự hợp tác chiến lược sẽ ngày càng sâu rộng. Điều quan trọng là chúng ta kiên định chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ, không để những diễn biến ngoại cảnh chi phối, không ngả nghiêng, và đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết.

Tiềm năng hợp tác thì rất nhiều. Ngoài 3 trụ cột trên, hai nước có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực lao động-việc làm, chuyển đổi số, kinh tế xanh và năng lượng xanh, chống biến đổi khí hậu và cùng hướng tới đạt mục tiêu giảm phát thải về 0 vào năm 2050.

Tuy nhiên, tôi cho rằng để quan hệ hai nước được bền chặt hơn nữa, cần thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu văn hóa và nhân dân, vì văn hóa và nhân dân mới là chất keo kết dính cho mối quan hệ được bền chặt.

. Xin cảm ơn ông.

Đại sứ Việt Nam tại Úc: Kỳ vọng cao về chuyến thăm của Thủ tướng Albanese

Theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Úc, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Albanese sẽ nhiều cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ kinh doanh và giáo dục của Úc. Các nhà lãnh đạo hai bên dự kiến sẽ thảo luận những biện pháp thúc đẩy các liên kết thương mại, đầu tư và giáo dục cũng như mở rộng hợp tác về lĩnh vực khí hậu, năng lượng và môi trường.

Trong cuộc phỏng vấn tờ Financial Review hôm 31-5, Đại sứ Việt Nam tại Úc Nguyễn Tất Thành nhận định Úc là một trong số ít quốc gia tổ chức cuộc gặp cấp lãnh đạo thường niên với Việt Nam, đồng thời cho biết các cuộc đàm phán nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đang được tiến hành.

“Kỳ vọng của chúng tôi về chuyến thăm của Thủ tướng Albanese là rất cao” - Đại sứ Thành cho hay.

Đọc thêm