Tối 4-11, thông tin từ khoa Nhi, BV Bạch Mai (Hà Nội), cho biết vừa tiếp nhận điều trị cho 51 học sinh trường tiểu học Yên Sở, Hoàng Mai (Hà Nội).
Theo các bác sĩ, hơn 40 em bị ong đốt nhưng số nốt đốt ít hơn, nên sau khi thăm khám đã về theo dõi ở nhà.
Hiện còn lại tám em bị ong đốt khá nặng, với nhiều nốt đang được các bác sĩ làm các xét nghiệm và theo dõi tại BV.
Nguyên nhân khiến 51 trẻ bị ong đốt có thể trong giờ ra chơi, trẻ thấy tổ ong rồi sau đó khều tổ khiến ong bay ra đốt.
Trẻ bị ong đốt nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cũng đang cấp cứu cháu bé Lý Quỳnh Trang 13 tuổi (dân tộc Dao ở xóm Nách, Tân Mai, Mai Châu, Hòa Bình) được đưa vào viện trong tình tạng nguy kịch do bị ong vò vẽ đốt 115 nốt toàn cơ thể.
Sự việc xảy ra buổi trưa ngày 2-11, cháu và các bạn rủ nhau đi lấy củi để nấu cơm. Không may Trang và các bạn bị ong vò vẽ đốt. Trong số đó, Trang là người bị nặng nhất với 115 nốt đốt toàn thân. Ngay sau đó, cháu có cảm giác không nhìn thấy gì, rét run, khó thở, tiểu đỏ nên được đưa đến BV Mai Châu. Tại đây, cháu được chẩn đoán là sốc do ong đốt và chuyển gấp lên BV Bạch Mai.
Theo các bác sĩ chuyên khoa chống độc, khi bị ong đốt, nếu không được cấp cứu kịp thời, một số trường hợp nạn nhân có thể chết ngay trong 30 phút đầu tiên. Nguy cơ tử vong không tùy thuộc vào lượng nọc ong mà tùy thuộc vào cơ địa, sự phản ứng của cơ thể mỗi người. Điều này có nghĩa là chỉ một con ong cũng có thể làm chết người.
Sau khi bị ong đốt, người bệnh có thể có các biểu hiện: Đầu tiên, bệnh nhân nổi mề đay, ngứa, sau đó là sốc phản vệ, khó thở, phù nề thanh quản, đớ lưỡi; Tiếp theo, có thể suy hô hấp, phù nề các phế nang, nôn, tụt huyết áp, tiêu chảy. Do không đi tiểu được nên cơ thể bị ứ nước, urê không thải ra ngoài và thận không làm việc dẫn đến suy thận cấp.
Có nhiều loại ong, các loại ong thường gây nhiễm độc là ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật và một số ong chưa rõ loại ở các vùng rừng núi.