Theo Cục Đầu tư nước ngoài, có sáu dự án vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất được cấp phép trong năm 2017, các dự án phần lớn thuộc về các nhà đầu tư Nhật Bản. Đứng đầu là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
Đứng thứ hai là dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,6 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320 MW.
Nhật Bản đầu tư nhiều tỉ USD vào các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam. Ảnh: Internet
Dự án SamSung Display Việt Nam do Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỉ USD tại Bắc Ninh.
Dự án lớn thứ tư là Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỉ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.109,4 MW.
Vị trí thứ năm là dự án đường ống dẫn khí lô B - Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỉ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn tại Kiên Giang.
Đứng thứ sáu là dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 886 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư với mục tiêu kinh doanh bất động sản tại TP.HCM.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20-12-2017, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 21 tỉ USD, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm 2016. Tính chung cả năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài gần 36 tỉ USD, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2016.