Chuyện ông 'vua tỏi đen' hai lần bỏ Mỹ về quê

Kiều hối về nước ta tăng mạnh qua từng năm và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy vậy, thực tế cho thấy chính sách thu hút, định hướng dòng vốn này vẫn đang tồn tại nhiều bất cập.

Từ chuyện của “vua tỏi đen”

Anh Nguyễn Hoàng Long là một Việt kiều Mỹ, được biết đến với danh hiệu “vua tỏi đen”. Anh Long hiện là giám đốc Công ty Tỏi đen Leo’s. Ít ai biết được rằng hơn 20 năm trước, anh Long cũng gặp những thất bại đau đớn khi dốc hết vốn liếng về quê hương làm ăn.

Năm 1995, anh Long khi đó là chuyên gia xử lý nước của một tập đoàn khá nổi tiếng tại Mỹ. Trong chuyến trở về quê hương sau nhiều năm ở nước ngoài, anh đi dọc các tỉnh miền Tây. Hình ảnh bà cụ già lấy nước kênh đục ngầu lên tắm giặt, rồi để lắng cặn nấu ăn ám ảnh tâm trí anh.

“Mình là một chuyên gia xử lý nước đã từng giúp đỡ bên Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines… mà lại không làm được gì cho dân mình sao?”. Nghĩ thế, anh bỏ công việc với mức lương cao tại Mỹ trở về Việt Nam để đầu tư công nghệ xử lý nước sạch cho dân dùng. Đến đâu anh cũng được cơ quan chức năng, ban ngành chào đón niềm nở rồi hứa hẹn.

Nhưng những lời hứa ấy cứ trôi dần theo thời gian và vốn liếng anh mang theo cũng cạn dần. Rồi anh lập công ty riêng nhưng một kỹ sư như anh chưa thể có kỹ năng quản lý tốt, cộng thêm các thủ tục hành chính rườm rà khác khiến anh thất bại liên tục.

Nản lòng, anh bỏ tất cả rồi trở về Mỹ. Nhưng hình ảnh người nông dân lam lũ không có nước sạch để dùng lại thôi thúc anh. Bán hết, gom góp hết những gì còn lại, anh trở về quê hương một lần nữa. Lần này anh đã thành công với một thương hiệu nước tinh khiết MK-Tech, tỏi đen... và hiện anh được gọi là “vua tỏi đen” khi đem sản phẩm này xuất khẩu sang những nước phát triển như Mỹ, Nhật, Canada.

Không quá nghĩ ngợi về những khó khăn đã qua nhưng đôi khi anh Long cũng ước: “Giá như các doanh nghiệp Việt kiều không gặp quá nhiều khó khăn về thủ tục thì có lẽ dòng kiều hối sẽ chảy về quê hương nhiều hơn và được sử dụng hiệu quả hơn”.

Cần một chính sách tốt hơn để kiều hối chảy về. Ảnh: HTD

Đến làng Việt kiều

Tại hội thảo chủ đề “Mối quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam” do Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức mới đây, những khó khăn đối với dòng kiều hối và Việt kiều về nước đầu tư lại được đưa ra.

Ông Lê Thanh Bình, trưởng đại diện Hội Doanh nghiệp Việt kiều Ba Lan tại Việt Nam, kể rằng ông đã trực tiếp kêu gọi bạn bè, anh em đầu tư về quê hương và hiện đang xúc tiến đầu tư tại Yên Bái. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng: “Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về chính sách đối với kiều bào dù đã mở đường cho Việt kiều về đầu tư, làm ăn nhưng cũng còn một số khó khăn. Điển hình như dự án làng Việt kiều châu Âu ở Hà Đông, Hà Nội”.

Dự án này có diện tích 50 ha tại khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức nhưng 10 năm nay chưa nhà đầu tư nào được cấp sổ đỏ. Quá trình nhận tiền, cam kết giao nhà đã diễn ra nhưng dự án lại bị dừng, không triển khai được. Từ vụ việc này, ông Bình nói muốn kêu gọi đầu tư thì phải quan tâm đến các doanh nghiệp Việt kiều đang đầu tư ở trong nước.

“Tiền kiều hối còn nằm ở hải ngoại nhiều. Chúng tôi rất muốn có người đồng hành, hướng dẫn và tháo gỡ để dòng tiền này chảy về Việt Nam” - ông Bình chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài, cũng nhận xét chính sách chưa công bằng với kiều hối. “Nếu khơi thông pháp luật để nguồn kiều hối chảy vào đầu tư thì tuyệt vời. Tôi cho rằng nên hướng kiều hối với đầu tư công nghệ cao, công nghệ phụ trợ. Bởi bản thân Việt kiều hiểu rất rõ về các công nghệ cao” - ông Toàn nhận xét và nêu kiến nghị.

Để kiều hối chảy về

GS Nguyễn Mại nói: “ODA hiện nay có xu thế giảm và cũng không nên sử dụng nhiều ODA nữa vì nợ công đã đến ngưỡng rồi. Cần một chính sách tốt hơn để kiều hối chảy về”.

GS Mại thông tin từ năm 1991 đến 2014, Việt kiều đã đầu tư 3.600 dự án với vốn đăng ký 8,6 tỉ USD. Đó là chưa kể những dự án đầu tư nước ngoài, dự án trong nước do Việt kiều góp vốn.

Nhưng một số Việt kiều cho rằng vẫn còn rào cản dòng vốn từ Việt kiều, ví dụ phải có vốn đầu tư trên 1 triệu USD mới được chấp nhận, do vậy họ phải đầu tư bằng cách ủy quyền cho người thân. Ngoài ra, thủ tục hành chính rườm rà, môi trường đầu tư còn thiếu minh bạch.

“Tôi cho rằng cần có sự mở cửa hai đầu - mở cửa đầu vào cho người Việt Nam sống ở bất kỳ đâu vào Việt Nam với chính sách thuận lợi, vì số Việt kiều hướng về nước ngày càng tăng. Đồng thời, cần mở cửa đầu ra bằng cách khuyến khích di cư lao động, du học…” - GS Mại khuyến nghị.

Trên 100 tỉ USD kiều hối chảy vào đâu?

Việt Nam nằm trong 10 nước nhận lượng kiều hối lớn nhất thế giới. Riêng năm 2015, kiều hối về Việt Nam lên đến 12,25 tỉ USD, chiếm 5,58% GDP, gấp bốn lần ODA. Như vậy, lượng kiều hối vào Việt Nam trong vòng 25 năm qua vào khoảng trên 105 tỉ USD.

TS Đặng Kim Nhung, cựu giảng viên khoa Đầu tư ĐH Kinh tế quốc dân, cho hay từ năm 2012 đến nay bức tranh kiều hối Việt Nam là rất tích cực. Tuy vậy, hiệu quả sử dụng kiều hối còn có những ý kiến trái chiều. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho rằng phần lớn kiều hối được sử dụng để sản xuất, kinh doanh, không cất trữ, chi tiêu như trước.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng người dân vẫn có xu hướng dùng kiều hối để mua vàng, bất động sản hoặc gửi tiết kiệm. tỉ trọng kiều hối sử dụng cho sản xuất, kinh doanh còn thấp.

Người dân Trung Quốc khi nhận kiều hối thường tìm cách đầu tư bằng mọi cách, gửi ngân hàng chứ không giữ trong nhà. Thậm chí nước này còn phát triển Thâm Quyến để thu hút Hoa kiều về nước đầu tư.

Trong khi đó, chúng ta vẫn còn nhiều rào cản cũng như đối xử không công bằng với Việt kiều và kiều hối.

TS LƯU BÍCH HỒ,
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm