7-Eleven bắt đầu bán xôi, trứng vịt… tại Việt Nam

Hôm nay (15-6), chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Nhà bán lẻ này từng bày tỏ tham vọng muốn tấn công thị trường Việt Nam khi tuyên bố sẽ mở khoảng 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.

7-Eleven nổi tiếng là chuỗi cửa hàng tiện lợi thành công nhất trong lịch sử thế giới và được xem là chuỗi cửa hàng “đáng sợ” nhất thế giới khi cứ hai giờ trôi qua lại có một cửa hàng mọc lên.

Thị trường Việt nổi sóng

Công ty Cổ phần Seven System Việt Nam, đại lý nhượng quyền độc quyền của 7-Eleven tại Việt Nam, cho biết ngoài những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thì nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng của nhà bán lẻ này cũng sẽ được giới thiệu đến người Việt.

Đáng chú ý, gã khổng lồ này thiết kế riêng cho thị trường Việt thực đơn với hơn 100 món ăn tươi. Đặc biệt có nhiều món ăn thuần Việt như xôi, gỏi cuốn, bún thịt nướng, hột vịt xào me, thịt kho trứng, bò kho rau củ, đậu hủ xào bắp non,… cũng được giới thiệu.

Sự kiện đại gia bán lẻ này xuất hiện khiến thị trường Việt Nam “nổi sóng”. TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, bình luận: Với việc định vị ngay từ đầu 100 món ăn đã thể hiện được lợi thế khi đánh vào nhu cầu thích ăn đồ tươi của người Việt. Điều này sẽ thu hút được một lượng khách đang mua hàng ở các chợ truyền thống và tiệm tạp hóa.

“Theo tôi, 7-Eleven tuyên bố kinh doanh 100 món ăn tươi là rất khôn ngoan. Nói một cách khác là họ đi guốc trong bụng người tiêu dùng. Vì muốn chiến thắng thì trước hết phải thu hút được người dân lân cận cửa hàng và các bà nội trợ” - ông Khương nhấn mạnh.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven chính thức đặt chân vào Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhìn nhận bán đồ ăn tươi là một trong những yếu tố lõi giúp 7-Eleven tạo ra sự khác biệt so với những đối thủ cùng ngành đang tồn tại trên thị trường. Tại nhiều thị trường ở các quốc gia châu Á, 7-Eleven cũng đã thành công nhờ chiến lược bán đồ ăn tươi trong chuỗi của mình.

Tuy vậy, ông Hoàng Tùng cho rằng điểm khác biệt này không phải là bền vững, vì các đối thủ khác hoàn toàn có thể đủ khả năng bắt chước và làm theo. “Một số cửa hàng của CircleK cũng đã bán đồ ăn tươi và có cả những suất cơm văn phòng. Điều đó cho thấy các đối thủ của 7-Eleven không dễ ngồi yên để mất đi thị phần của mình” - ông Tùng nhấn mạnh.

Cạnh tranh khốc liệt

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang hấp dẫn trở lại. Năm 2017, Việt Nam tăng năm bậc lên vị trí thứ sáu về chỉ số bán lẻ toàn cầu. Năm 2016, tổng doanh số bán lẻ cả nước đạt hơn 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2015.

Chính vì vậy, việc các đại gia bán lẻ như 7-Eleven nhảy vào là điều dễ hiểu. Tuy vậy, ông Hoàng Tùng nhận định: “7-Eleven sẽ phải cạnh tranh điểm bán cũng như giành giật thị phần với những tên tuổi như Vinmart+, Shop&Go, Circle K, B’s Mart, Ministop… Các đối thủ này đều đã có vị thế nhất định và cũng đang phát triển ồ ạt điểm bán. Vì vậy, cuộc chơi còn nhiều thách thức và không hề dễ dàng cho 7-Eleven”.

Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Nguyễn Hương Quỳnh đánh giá dù việc xâm nhập của 7-Eleven có thể khiến nhiều người trong giới bán lẻ, đặc biệt là kinh doanh mô hình cửa hàng tiện lợi lo lắng. Nhưng đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nội đổi mới, cải tiến để sẵn sàng đón đầu làn sóng từ các đối thủ ngoại.

Bà Quỳnh khuyến cáo: “Khách hàng hiện nay có xu hướng lựa chọn những bữa ăn tiện lợi được chế biến sẵn, có thể mang đi được và rất nhạy cảm với vấn đề thay đổi giá. Do đó, các nhà bán lẻ nên có chiến lược giá cạnh tranh, đi kèm với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Bên cạnh đó là yếu tố tiện ích, tức không chỉ đơn thuần là một cửa hàng mà đó còn là dịch vụ, trải nghiệm. Nhà bán lẻ Việt phải thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với cuộc sống bận rộn của khách hàng”.

Đại diện một nhà bán lẻ Việt cũng tỏ ra lo lắng khi các DN trong nước vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình, do vậy nguy cơ mất thị trường vào tay các nhà bán lẻ nước ngoài là có thể nhìn thấy.

“Nhà bán lẻ Việt muốn trụ vững thì không còn cách nào khác là phải luôn luôn thay đổi và liên doanh, liên kết nhằm tạo sức mạnh chung chống đỡ với những gã khổng lồ bán lẻ nước ngoài. Có như vậy mới không rơi vào tình trạng thua ngay trên sân nhà và từ chủ nhà trở thành khách trong chính ngôi nhà của mình” - đại diện nhà bán lẻ trên nói.

Bài học Thế Giới Di Động bị “hất chân”

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội ngày 9-6 vừa qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhận định chỉ trong ba năm qua, khu vực đầu tư nước ngoài đã chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi, 17% qua trung tâm thương mại siêu thị, 50% thị phần bán lẻ trực tuyến.

Đến nay thị phần và doanh số khu vực này vẫn không ngừng tăng lên, đây là những con số rất đáng để suy nghĩ. Sự kiện 22 cửa hàng Thế Giới Di Động bị “hất chân” khỏi hệ thống Big C, hay việc Minh Long 1 tuyên bố rút khỏi hệ thống Metro là điển hình và đó chỉ là màn khởi đầu cho những lời cảnh báo.

“Chúng ta phải ngậm ngùi nhìn người Việt mua hàng ngoại và DN ngoại thì mua DN Việt. Một khi tập đoàn bán lẻ nước ngoài thống trị thị trường nội địa thông qua hệ thống các kênh phân phối và bán lẻ thì chắc chắn sẽ tạo ra một hệ lụy cho các ngành sản xuất nội địa, cũng như rủi ro về giá cả cho người tiêu dùng” - ông Nhân cảnh báo.

_______________________________

Cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh

Trong báo cáo chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu do công ty tư vấn A.T. Kearney (Mỹ) công bố mới đây cho thấy hiện nay cửa hàng tiện lợi và minimart là phân khúc phát triển nhanh nhất ở Việt Nam.

Đơn cử Family Mart dự kiến có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. Lotte Mart dự kiến mở 60 cửa hàng vào năm 2020. Vingroup đã đưa hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ vượt con số hơn 700 cửa hàng và kế hoạch năm 2017 sẽ mở thêm 1.500 cửa hàng tiện lợi. Giai đoạn 2017-2020, Saigon Co.op dự kiến sẽ phát triển 30-50 cửa hàng tiện lợi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm