7 “ông lớn” ĐH kỹ thuật bắt tay hợp tác

Bảy trường đại học (ĐH) kỹ thuật gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Mỏ-Địa chất, Trường ĐH Thủy lợi và Trường ĐH Xây dựng ký kết biên bản hợp tác toàn diện.
Tổ chức chung kỳ thi đánh giá tư duy
Hợp tác này sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối sâu rộng, mạnh mẽ, toàn diện, góp phần vào sự phát triển và lớn mạnh giữa các bên tham gia trong tương lai.
Trong tuyển sinh, bảy trường sẽ phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.
Trong đào tạo, các bên nhất trí chia sẻ kinh nghiệm và cùng hợp tác trong việc xây dựng chương trình đào tạo bậc ĐH, chương trình đào tạo kỹ sư (mới) theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp, bậc thạc sĩ. 

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nhóm bảy trường đại học kỹ thuật. Ảnh: BA

Trong kiểm định chất lượng, các trường nhất trí hợp tác về thực hiện tự đánh giá, đánh giá đồng cấp, đánh giá ngoài và chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục theo các tổ chức kiểm định trong nước và quốc tế.
Trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các trường nhất trí phối hợp tổ chức hội nghị khoa học quốc tế, xây dựng và cùng triển khai các chương trình nghiên cứu liên ngành, liên trường, hợp tác quốc tế nhằm tăng cường các công bố khoa học quốc tế uy tín chung giữa các trường.
Đặc biệt, các trường thống nhất xây dựng các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hình thành các công ty start-up, spin-off chung trên cơ sở các hợp tác nghiên cứu đạt được. Các trường thống nhất cùng phối hợp để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản trị, giảng dạy, nghiên cứu.
Các trường cùng nhất trí phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông, phối hợp truyền thông các sự kiện và các hoạt động chung được tổ chức bởi bảy trường. Cùng nhau thành lập tiểu ban hỗn hợp có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, điều phối triển khai các vấn đề hợp tác giữa các trường.
Tuyển sinh năm 2021 chưa có thay đổi
Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hợp tác toàn diện giữa bảy trường sẽ giúp cho xã hội và người học hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế đất nước, giúp các trường thực hiện được nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao tốt hơn, thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn.
Trước mắt, đợt tuyển sinh năm 2021 vẫn sẽ ổn định như năm 2020, tránh xáo trộn cho học sinh và phụ huynh, các trường vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Kèm theo đó là xét tuyển học bạ, thi đánh giá năng lực tùy theo phương thức của mỗi trường.
Trước băn khoăn về sự chênh lệch về chất lượng giữa trường tốp trên và tốp dưới, liệu việc các ngành phối hợp với nhau có tạo nên sự khập khiễng, ông Thắng cho biết: Tùy theo đặc thù của ngành nghề, các trường ĐH phân ra nhiều ngành khác nhau, có ngành “hot”, có ngành không thu hút được nhiều thí sinh. Tuy nhiên, ngành nào cũng có nhiệm vụ riêng, với các ngành không “hot”, thí sinh học ra trường vẫn xin được việc làm vì đó là ngành phục vụ nhu cầu xây dựng đất nước.
“Việc ký kết giữa bảy trường là cơ hội cho các trường phối hợp với nhau, đưa những ngành ít hấp dẫn ra chia sẻ để thu hút thí sinh. Các trường cùng nhau đưa ra cái hay, lợi ích của mỗi ngành để khắc phục hạn chế của nhau, phát triển những điểm mạnh của mỗi trường” - ông Thắng nói.
Đại diện ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ: Tất cả bảy trường đều có điểm mạnh này điểm mạnh khác, do đó hợp tác tạo nên sự nâng đỡ về trang thiết bị vật chất, đào tạo. 
“Bảy trường đang hướng tới mục tiêu công nhận tín chỉ của nhau, giúp học sinh có trải nghiệm học tập khác nhau. Chẳng hạn, sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM có thể lấy chứng chỉ của ĐH Bách khoa Hà Nội bằng cách học các môn giống hoặc các kiến thức tương đương. Tuy nhiên, để tiến tới mục tiêu này, bảy trường còn phải bàn bạc nhiều để có quy định cụ thể hơn” - PGS-TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết.
PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đánh giá cao sáng kiến hợp tác của bảy trường và cho rằng: “Từ trước tới nay, phần lớn các trường chú trọng hợp tác quốc tế mà bỏ quên mất một hướng đi không kém quan trọng, đó là hợp tác trong nước. Bộ GD&ĐT hoan nghênh sáng kiến và nỗ lực của bảy trường kỹ thuật.
Cá nhân tôi kỳ vọng sự hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích cho các trường tham gia mà còn tạo ra động lực phát triển cho toàn khối trường kỹ thuật và cả hệ thống GD&ĐT. Ví dụ, trong thời gian tới, bảy trường sẽ tiên phong tham gia xây dựng chuẩn chương trình đào tạo cho các bậc cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ cho các ngành thuộc khối kỹ thuật”.•

Xây dựng chung trang web để quảng bá 

Mỗi trường có một sứ mệnh nhưng sứ mệnh chung là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trở thành lực lượng dẫn dắt. Chúng tôi tin rằng bảy trường sẽ cùng phát triển, trở thành bộ phận quan trọng trong thực hiện sứ mệnh của nền giáo dục Việt Nam.

Sắp tới bảy trường sẽ xây dựng chung trang web để thống nhất đào tạo, sử dụng chung nguồn nhân lực, vật lực, cơ sở vật chất của các trường. Công tác truyền thông cũng tiến tới cùng chia sẻ, đồng loạt công bố. 

PGS TRẦN THANH HẢI, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm