70% chiếc bánh 4 tỉ USD trong tay công ty mỹ phẩm ngoại

(PLO)- Theo thống kê của Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam, mỹ phẩm ngoại chiếm thị phần 60%-70%, chủ yếu là các thương hiệu châu Âu.

Theo Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam (VN) (VOCA), quy mô thị trường mỹ phẩm VN hiện nay khoảng 4 tỉ USD nhưng doanh nghiệp (DN) ngoại đã chiếm với 60%-70% thị phần. Với tỉ lệ này, các DN mỹ phẩm VN sẽ gặp khó trong việc cạnh tranh. Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Minh (ảnh), Phó Chủ tịch VOCA, về vấn đề này.

Gần 40% DN mỹ phẩm VN dừng hoạt động

. Phóng viên: Sau dịch bệnh COVID-19, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng khi các DN dần thu hẹp hoặc ngừng hoạt động. Ngành mỹ phẩm có gặp tình cảnh tương tự không, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Minh: Ngành mỹ phẩm VN có số lượng DN lớn chỉ đếm “trên đầu ngón tay” với hơn 10 DN. Còn lại hơn 100 DN hay công ty mỹ phẩm vừa và nhỏ VN phần lớn làm đại lý phân phối cho các hãng mỹ phẩm của CHLB Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan….

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nguyên liệu nhập, sức tiêu thụ giảm mạnh, có khoảng 40% DN mỹ phẩm VN dừng hoạt động. Trong khi đó, từ đầu năm 2023 đến nay VOCA đón nhiều đoàn DN mỹ phẩm các nước như Ba Lan, CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc sang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại VN.

. Ông nhận định gì về sự “dòm ngó” của các DN có vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh DN Việt ngày càng yếu đi?

+ Thời gian qua, hàng trăm thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở VN dưới nhiều hình thức như mở văn phòng đại diện, nhà phân phối bán hàng, thành lập công ty, xây dựng nhà máy sản xuất...

Ngành mỹ phẩm Việt đang đứng trước thách thức lớn khi hiện nay 60%-70% thị phần là của mỹ phẩm ngoại. Ảnh: T.UYÊN

Theo thống kê của VOCA, mỹ phẩm ngoại chiếm thị phần 60%-70% chủ yếu là thương hiệu đến từ các nước châu Âu. Phân khúc bậc trung thì có mỹ phẩm Hàn Quốc, Nhật Bản. Phân khúc thấp hơn có mỹ phẩm Thái Lan chiếm 1%-2%, chủ yếu ở thị trường TP.HCM và các vùng nông thôn. Thị trường mỹ phẩm VN cũng thu hút các nhà đầu tư Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ “quan tâm” nhưng họ chỉ mua 20% cổ phần nhằm làm bàn đạp để bán các sản phẩm khác tại thị trường VN.

Tuy vậy, những DN Việt vốn đã có và giữ được phân khúc khách hàng của mình vẫn xuất khẩu tốt tiếp tục phát triển. Những nhà máy nhỏ, siêu nhỏ vốn đầu tư vài tỉ đồng có xu hướng sáp nhập hoặc chuyển sang sản xuất nguyên liệu để bán cho DN mỹ phẩm nước ngoài.

E-commerce Metric.vn - nền tảng cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) cho biết quý I ngành hàng làm đẹp có doanh thu cao nhất trên năm sàn TMĐT, đạt hơn 6.600 tỉ đồng với 62,3 triệu sản phẩm được bán ra. Năm 2023, dự kiến doanh thu ngành mỹ phẩm VN đạt gần 2 tỉ USD, sau năm 2024 ngành mỹ phẩm có thể phục hồi trở lại.

Không thể một mình một chợ

. DN Việt ứng phó với làn sóng đầu tư nước ngoài thế nào, thưa ông?

+ Trong bối cảnh hội nhập chung, chúng ta không thể một mình một chợ. Đồng thời với nội lực chưa đủ mạnh, ngành mỹ phẩm muốn phát triển bền vững cần có sự học hỏi từ các DN quốc tế thông qua sự hiện diện, sự đầu tư các nhà máy tại VN.

DN trong nước cần tiếp cận quy trình sản xuất, cập nhật những quy định quốc tế liên quan đến sản xuất mỹ phẩm an toàn, xu hướng sản xuất xanh trong mỹ phẩm… Trên cơ sở đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh.

. DN mỹ phẩm Việt chuyển mình theo xu hướng xanh thế nào, thưa ông?

+ Nhiều DN Việt cũng đã nhanh chóng bắt kịp xu hướng ưa chuộng mỹ phẩm thiên nhiên của người tiêu dùng nên đã phát triển các dòng sản phẩm mới từ nguyên liệu bạc hà, hồi, nghệ, bồ kết…

Trong hiệp hội có hai DN sản xuất mặt nạ làm đẹp từ nguyên liệu thiên nhiên vừa bán nội địa và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Hay có DN sản xuất son môi hữu cơ, họ mở đại lý trên hơn 30 tỉnh, thành cả nước nhưng sau dịch COVID-19 đã thu hẹp lại.

Cần quan tâm đến chiến lược quảng bá thương hiệu

. Như ông vừa chia sẻ, DN Việt cũng xuất khẩu mỹ phẩm, cụ thể là những thị trường nào và quy mô ra sao?

+ Hiện nay có khoảng 130 xưởng và nhà máy sản xuất mỹ phẩm của DN Việt. Mỹ phẩm Việt hiện đã xuất khẩu sang thị trường Liên Xô, Đông Âu, châu Phi, các nước Đông Nam Á. Một số nước châu Âu thích mỹ phẩm Việt vì chất lượng cao, giá cạnh tranh; thị trường châu Phi thích các mặt hàng như xà bông, nước rửa chén… của VN do giá tốt.

Mỗi năm VN xuất khẩu 500-700 triệu USD mỹ phẩm nhưng lại nhập 3-4 tỉ USD mỹ phẩm. Điều này giống như chúng ta xuất khẩu lúa gạo được bao nhiêu tiền thì nhập mỹ phẩm về bấy nhiêu. Vì vậy, các DN cần nỗ lực làm sao tuyên truyền để người tiêu dùng Việt sử dụng mỹ phẩm Việt. Nếu có thể giành được 10% thị phần trong tay DN ngoại, VN sẽ giảm “chảy máu” ngoại tệ rất lớn.

. Thách thức chung của ngành mỹ phẩm VN thời gian tới thế nào và ngành này có giải pháp nào để vượt qua, thưa ông?

+ Hiện nay tùy thị trường mỹ phẩm nhập khẩu vào VN đang chịu thuế suất 10%-20%. Theo một số hiệp định thương mại tự do VN đã ký kết, thuế của hầu hết các mặt hàng nhập khẩu sẽ phải giảm về 0%-5%. Như vậy, hàng loạt nhà sản xuất mỹ phẩm tại VN có thể sẽ dừng sản xuất, tập trung vào chiến lược nhập khẩu phân phối sản phẩm.

Để vượt qua thách thức trên thì đòi hỏi các DN Việt cần quan tâm nhiều đến mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu. Bên cạnh đó, Nhà nước cần khuyến khích các DN lớn trong nước đầu tư vào ngành hương liệu và mỹ phẩm.

Ngoài ra, đối với DN Việt đang phân phối mỹ phẩm cho các nhãn hàng đa quốc gia dù lợi nhuận nhiều nhưng cần khuyến khích họ phát triển các công ty trong nước, bởi họ có thể góp phần phát triển công nghệ mỹ phẩm của VN.

. Xin cảm ơn ông.

Doanh nghiệp mỹ phẩm Việt chưa tận dụng hết lợi thế

Nguồn nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm VN dồi dào và tốt nhưng DN chưa tận dụng được hết lợi thế này. DN Việt vẫn còn rất hạn chế khi chỉ sản xuất mỹ phẩm phục vụ cho da và tóc trong khi còn rất nhiều hàng mỹ phẩm phục vụ cho người cao tuổi, nam giới, trẻ em mà DN chưa quan tâm tới.

Đối với mỹ phẩm, hình thức phải bắt mắt, điều này thì các DN nước ngoài rất chú trọng đầu tư, chi phí chiếm 20%-30% giá thành. Trong khi DN Việt chỉ quen thuộc với thị trường nông thôn “xuề xòa” nên đầu tư 5%-10% nên hàng Việt chỉ trụ được ở phân khúc giá rẻ.

Khâu quyết định vẫn là chiến lược quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, một số DN Việt xác định xuất khẩu là thị trường chính nên không chú trọng quảng bá ở thị trường trong nước.

Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Chủ tịch VOCA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới