900 thùng nước trà “bốc” khỏi kho

Theo hồ sơ, Giáp Văn Tuấn là nhân viên giao nhận hàng của Công ty Hoa Lâm. Ngày 11-4, Tuấn đến Công ty Tân Hiệp Phát nhận nước giải khát...

Không hủy phiếu cũ

Tuấn liên hệ làm phiếu xuất kho 900 thùng nước giải khát (khoảng 10 tấn, gồm trà xanh và trà không độ). Sau đó, thấy xe chưa đủ tải trọng, Tuấn đã yêu cầu người xuất kho xuất thêm 550 thùng nữa (trên 5 tấn). Cán bộ chức năng đã lập thêm một phiếu mới với tổng số lượng là 1.450 thùng (khoảng 15 tấn). Có thêm phiếu xuất kho mới, Tuấn đã đưa hai phiếu này cho tài xế để lấy hàng. Tổng cộng xe của Tuấn đã lấy và chở ra khỏi kho 2.350 thùng nước giải khát. Khi xe chở hàng ra đến trạm cân, bảo vệ phát hiện hai phiếu xuất kho có số chứng từ và mã số trùng nhau nên chặn lại và báo công an.

Cho rằng Tuấn biết rõ trong phiếu xuất hàng thứ hai đã bao gồm cả số lượng hàng của phiếu ban đầu nhưng do tham lam, Tuấn không chịu hủy bỏ phiếu ban đầu để lấy thêm 900 thùng nước giải khát (hơn 125 triệu đồng) của công ty, cơ quan tố tụng xác định đủ cơ sở khởi tố, truy tố Tuấn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

900 thùng nước trà “bốc” khỏi kho ảnh 1

Nhiều việc nên sơ suất...

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, mới đây TAND thị xã Thuận An (Bình Dương) đã đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, Tuấn tiếp tục kêu oan. Tuấn thừa nhận biết rõ trong phiếu thứ hai đã bao gồm hàng của phiếu đầu tiên và cần thiết phải hủy bỏ phiếu ban đầu. Tuy nhiên, ngày hôm đó do phải điều động quá nhiều xe, bị cáo sơ suất không hủy phiếu cũ mà đưa cho tài xế lấy hàng. Khi tài xế nhận hàng, bị cáo không có mặt để kiểm kê vì đang tiếp tục làm phiếu cho xe khác. Sau khi nghe điện thoại từ tài xế báo số lượng hàng dư, bị cáo mới hoảng hồn...

Người tài xế cũng thừa nhận sau khi qua trạm cân, phát hiện hàng trên xe có trọng tải khoảng 25 tấn (dư khoảng 10 tấn) nên đã gọi điện thoại báo và lúc đó Tuấn rất ngạc nhiên, trả lời: “Hàng trên xe của chú chỉ được chở 15 tấn thôi”.

Luật sư của bị cáo cho rằng điều này chứng tỏ bị cáo không hề biết xe chở quá hàng và không hề có ý định chiếm đoạt.

Gian dối ngay từ đầu

Không đồng tình, công tố viên khẳng định ngay từ đầu bị cáo đã có ý định gian dối nên mới xin thêm phiếu để lấy hàng. Dù được nhắc nhở hủy phiếu cũ nhưng bị cáo vẫn ngang nhiên dùng phiếu này. Đây là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Thêm nữa, tại cơ quan điều tra, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Viện đề nghị tuyên bị cáo từ ba năm sáu tháng đến bốn năm sáu tháng tù.

Tranh luận lại, Tuấn cho rằng tại cơ quan điều tra, Tuấn bị đánh nên khai bừa. Thực chất, Tuấn thấy xe còn dư chỗ, tiện đường chở hàng về Sóc Trăng nên đăng ký thêm cho đỡ tốn kém phí vận chuyển.

Luật sư bào chữa nói thêm, dù bị cáo có lấy phiếu dư thì cũng không thể lấy được hàng. Bởi lẽ hai phiếu này cùng mã vạch, cùng ngày nên khi đưa vào máy kiểm tra sẽ bị phát hiện. Quy trình kiểm tra này được lặp đi lặp lại nhiều lần qua từng khâu nên bị cáo không thể có cơ hội lấy được hàng. Việc hàng lên xe do xuất phát từ nhầm lẫn từ khâu hành chính. Chưa kể, nếu số hàng này tuồn ra ngoài, bị cáo cũng không thể chiếm đoạt được do còn nhiều sổ sách ghi số lượng hàng xuất, số lượng cân hàng... Bị cáo làm việc tại đây lâu năm, biết rõ nên chắc chắn không dại gì làm điều này để chiếm đoạt hàng.

Sau khi xem xét, HĐXX đã vào nghị án nhưng do vụ việc phức tạp, tòa thông báo nghị án kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc.

Biên bản phạm tội quả tang không đúng?

Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng quy trình lập biên bản phạm tội quả tang là không đúng pháp luật. Bị cáo bị phát hiện phạm tội ngày 11-4 nhưng tới sáng 12-4 bị cáo mới bị đưa ra cơ quan công an và lập biên bản. Vì vậy biên bản này là không hợp lệ so với quy định về biên bản bắt người phạm tội quả tang tại Điều 82 BLTTHS (đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt... bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền).

Vấn đề này, công tố viên cho rằng do khi phát hiện bị cáo phạm tội là gần 22 giờ nên không thể lập biên bản ngay mà phải để sáng hôm sau và điều này là hoàn toàn phù hợp...

DƯƠNG HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm