Ai được yêu cầu ngăn chặn?

Mới đây, TAND huyện Đức Hòa (Long An) đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Mai Duy Việt trong vụ kiện hành chính đề nghị tòa hủy hai văn bản của UBND huyện Đức Hòa và UBND xã Hòa Khánh Tây.

Rắc rối từ người thứ ba

Theo đơn khởi kiện của ông Việt, năm 2010, bà NTY (quận Tân Phú, TP.HCM) đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 4.344 m2 đất tại xã Hòa Khánh Tây cho ông, có công chứng đàng hoàng. Sau đó, ông đã trực tiếp quản lý, canh tác trên miếng đất này nhưng hai bên vẫn chưa làm thủ tục sang tên.

Tháng 7-2012, ông Việt làm đơn yêu cầu UBND xã Hòa Khánh Tây cập nhập đăng bộ phần diện tích bà Y. đã chuyển nhượng nói trên. Tuy nhiên, UBND xã có văn bản từ chối giải quyết vì cho rằng phần đất này có liên quan đến một thỏa thuận bằng văn bản giữa bà Y. và bà CTC từ trước đó. Nội dung thỏa thuận là trong vòng 10 năm, bà Y. không được bán diện tích đất nói trên cho ai và bà C. có quyền chuộc lại trong bất kỳ thời gian nào. Trước thời điểm ông Việt yêu cầu cập nhật đăng bộ, bà C. đã có đơn xin ngăn chặn nên xã không thể giải quyết yêu cầu của ông Việt.

Ai được yêu cầu ngăn chặn? ảnh 1

Ông Mai Duy Việt đang trình bày sự việc. Ảnh: H.TÚ

Sau đó, ông Việt khiếu nại lên UBND huyện Đức Hòa nhưng bị bác đơn. Cho rằng việc xã và huyện căn cứ vào đơn xin ngăn chặn của bà C. để không thực hiện việc cập nhật đăng bộ quyền sử dụng đất cho mình là trái pháp luật, ông Việt đã khởi kiện yêu cầu TAND huyện Đức Hòa hủy hai văn bản trên của xã và huyện. Đồng thời, ông yêu cầu tòa buộc xã phải chấm dứt hành vi hành chính là cản trở yêu cầu cập nhật biến động quyền sử dụng đất của ông. Ngoài ra, ông còn yêu cầu chính quyền địa phương phải giải quyết việc sang tên từ bà Y. qua cho ông.

Tòa bác yêu cầu

Tại phiên sơ thẩm vừa qua của TAND huyện Đức Hòa, đại diện UBND huyện này nói việc bà Y. chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Việt là không đúng quy định của pháp luật vì bà Y. đã có thỏa thuận với bà C. Mặt khác, tại thời điểm ông Việt yêu cầu UBND xã Hòa Khánh Tây cập nhật biến động đất thì đã có đơn ngăn chặn của bà C. Do vậy, việc UBND xã Hòa Khánh Tây ban hành văn bản từ chối cập nhật biến động đất cho ông Việt là đúng pháp luật...

Sau khi nghị án, TAND huyện Đức Hòa đã tuyên bác toàn bộ các yêu cầu của ông Việt vì cho rằng không có căn cứ. Theo tòa, UBND xã Hòa Khánh Tây không chấp nhận yêu cầu cập nhật đăng bộ quyền sử dụng đất của ông Việt là đúng vì trước thời điểm ông Việt làm thủ tục cập nhật đăng bộ (tháng 6-2012), bà C. đã đến UBND xã Hòa Khánh Tây nộp đơn ngăn chặn. Tại phiên tòa, bà C. vẫn giữ nguyên yêu cầu UBND xã Hòa Khánh Tây không thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất từ bà Y. sang cho ông Việt...

Không chấp nhận yêu cầu của cá nhân?

Từ vụ việc trên, một vấn đề pháp lý được đặt ra: Việc chính quyền địa phương căn cứ vào đơn xin ngăn chặn của cá nhân để từ chối giải quyết yêu cầu cập nhật đăng bộ đất của người khác liệu đã đúng?

ThS Trần Quang Trung (khoa Luật hành chính Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Theo các quy định hiện hành, chỉ có các cơ quan chức năng liên quan như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án… mới có quyền yêu cầu ngăn chặn hoạt động cập nhật đăng bộ đất của người dân. Chưa có quy định nào cho phép cơ quan quản lý nhà nước được căn cứ vào đơn yêu cầu ngăn chặn của một cá nhân để từ chối cập nhật đăng bộ cho người khác cả. Như vậy, việc vận dụng pháp luật của chính quyền địa phương cũng như cách hiểu của tòa sơ thẩm trong vụ kiện hành chính của ông Việt là chưa chuẩn xác.

Đồng tình, luật sư Ngô Hoàng Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bổ sung: Trong trường hợp này, nếu bà C. cho rằng bà Y. chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Việt là không đúng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bà C. có quyền khởi kiện bà Y. ra TAND huyện Đức Hòa. Lúc này, ông Việt sẽ trở thành người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau khi tòa thụ lý, bà C. có quyền yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là ngăn chặn việc cập nhật biến động đất của ông Việt. Khi đó, chính tòa là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định ngăn chặn và chính quyền địa phương sẽ phối hợp thực hiện.

Chỉ phối hợp với cơ quan chức năng

Hiện nay, các phòng công chứng, văn phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM cũng tiếp nhận rất nhiều trường hợp người dân gửi đơn đề nghị ngăn chặn một số giao dịch chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu hay cho thuê, thế chấp tài sản… của người khác. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ có các cơ quan chức năng như Cơ quan Cảnh sát điều tra, VKSND, TAND, cơ quan Thi hành án dân sự mới có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Do vậy, người dân có nhu cầu ngăn chặn giao dịch chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu, thế chấp tài sản… cần liên hệ các cơ quan nói trên để được xem xét, giải quyết.

Một cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM

“Tôi đã kháng cáo”

Tôi rất bức xúc nên đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Tôi sẽ yêu cầu tòa phúc thẩm làm rõ về chuyện xã và huyện chỉ dựa vào đơn yêu cầu của một cá nhân để không cho tôi làm thủ tục cập nhật đăng bộ là hoàn toàn vô lý, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của tôi.

Ông MAI DUY VIỆT

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm