Án bị hủy vì phán quyết quá vô lý

Theo hồ sơ, năm 1998, cha mẹ của bà TH. có mượn của vợ chồng ông ĐH. một số vàng để làm ăn. Không có khả năng trả nợ, cha mẹ của bà TH. đã giao một căn nhà ở đường Nguyễn Thái Học (TP Cam Ranh) cùng giấy hồng và cam kết sẽ bán căn nhà cho ông ĐH. Tuy nhiên, năm 2003, cha mẹ của bà TH. lấy lại nhà, đề nghị được trả lại số vàng gốc đã mượn cùng lãi. Do không thỏa thuận được mức tiền lãi, hai bên xảy ra mâu thuẫn nên ông ĐH. đã khởi kiện cha mẹ của bà TH. ra tòa. Tháng 8-2008, TAND TP Cam Ranh đã đình chỉ giải quyết vụ kiện này vì thời hiệu khởi kiện đã hết.

Năm 2009, cha mẹ của bà TH. cho vợ chồng bà ở nhờ căn nhà trên. Đến tháng 4-2010, vợ chồng ông ĐH. khởi kiện vợ chồng bà TH. để đòi lại nhà. Tháng 6-2011, TAND TP Cam Ranh xác định quan hệ tranh chấp giữa hai bên là tranh chấp quyền sở hữu nhà và tuyên buộc bị đơn phải trả lại căn nhà cho nguyên đơn.

Sau đó, phía bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (cha mẹ của bà TH., chủ sở hữu của căn nhà) kháng cáo cho rằng án sơ thẩm xác định sai đối tượng bị kiện, xác định sai mối quan hệ pháp luật cần giải quyết. Căn nhà tranh chấp thuộc quyền sở hữu của cha mẹ bà TH. nên việc nguyên đơn kiện vợ chồng bà TH. đòi nhà là không có căn cứ, thẩm phán chủ tọa phiên tòa có vi phạm trong việc sửa chữa biên bản nghị án…

Ngày 23-4 vừa qua, trong phiên phúc thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa, đại diện VKS tỉnh cũng đồng tình với nội dung kháng cáo của các đương sự và đề nghị hủy án sơ thẩm.

Theo TAND tỉnh Khánh Hòa, cấp sơ thẩm xác định đây là tranh chấp quyền sở hữu về nhà ở là không đúng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bởi lẽ đơn khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu vợ chồng bà TH. phải trả lại nhà, nghĩa là kiện đòi tài sản. Phía bị đơn cũng không tranh chấp quyền sở hữu nhà với nguyên đơn. Trong phần tuyên xử của bản án sơ thẩm không có nội dung công nhận quyền sở hữu nhà đất tranh chấp là của ai, chỉ tuyên chấp nhận yêu cầu đòi nhà của nguyên đơn là vi phạm tố tụng (tòa xét xử nội dung không thụ lý là quan hệ đòi nhà, còn nội dung đã thụ lý là tranh chấp quyền sở hữu thì không xử). Việc thụ lý và xét xử của cấp sơ thẩm như vậy vừa vượt quá, vừa thiếu yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, vi phạm nguyên tắc tự định đoạt của đương sự. Hơn nữa, biên bản nghị án có nội dung không rõ ràng, bị sửa chữa, tẩy xóa, thêm bớt là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

TƯỜNG LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm