'Ăn chất cấm, chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế'

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM như trên bên hành lang Hội nghị toàn quốc về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản diễn ra ngày 5-11 tại Hà Nội do Bộ NN&PTNT tổ chức.

'Ăn chất cấm, chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế' ảnh 1

Bà Đinh Thị Phương Khanh trả lời cơ quan thông tấn báo chí sáng nay (5-11). Ảnh: Đ.TRUNG 

. Phóng viên: Việc truy xuất nguồn gốc sử dụng chất cấm tại sao đến bây giờ vẫn chưa ngăn chặn?

+ Bà Đinh Thị Phương Khanh: Lo ngại nhất hiện nay của chúng tôi đó là việc truy xuất nguồn gốc chất cấm từ đâu. Thí dụ khi kiểm tra một sản phẩm xác định rõ là sử dụng chất cấm nhưng khi truy xuất lại thì không thể nào xác định được nguồn gốc của chất cấm đó có nguồn gốc từ đâu.

Hiện nay, có một vấn đề là thương lái ngấm ngầm ép nông dân phải sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo thì giá thành sản phẩm tăng lên. Cụ thể nếu sử dụng thì giá thành được thương lái trả 1.000-2.000 đồng, thậm chí là 5.000 đồng/kg thịt hơi.

. Ở Long An thì những sản phẩm nào dễ bị vi phạm và sử dụng chất cấm?

+ Đó là trong lĩnh vực chăn nuôi heo và sản phẩm rau, đặc biệt là rau muống. Phải xem việc “đánh” người sử dụng chất cấm như việc chúng ta “đánh” tội phạm buôn bán ma túy và cũng phải xem như tội phạm hình sự. Không thể nào cứ như cách làm hiện nay. Về lâu, về dài mình đã thấy rõ tác hại như thế nào đối với người tiêu dùng, bản thân của chúng ta. Nếu như người tiêu dùng nội địa quay lưng thì đừng có nói đến chuyện hội nhập cạnh tranh.

'Ăn chất cấm, chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế' ảnh 2

 Rau thịt chứa đầy chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: NGUYỄN NHUNG

. Quá trình thực hiện kiểm tra đối với doanh nghiệp sử dụng chất cấm ra sao?

+ Đối với các vùng sản xuất tập trung rau, củ quả, Chi cục Bảo vệ thực vật phải thường xuyên kiểm tra, loại bỏ ngay những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn trước khi bán ra thị trường. Tăng cường tuyên truyền cho người nông dân. Trên lĩnh vực chăn nuôi thì phải phối hợp với công an tỉnh đi các vùng trọng điểm. Loại trừ cả yếu tố nội gián bên trong có như thế thì “đánh” người sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật được hiệu quả.

. Như vậy, sử dụng chất cấm là đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự?

+ Tới đây phải đưa việc sử dụng chất cấm vào Bộ luật Hình sự, bởi vì những lý lẽ như về lâu dài nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Không thể chờ được đến lúc chúng ta chết đi mới truy xuất chúng ta ăn cái gì thì làm sao truy xuất được, ăn cái gì như thế nào? Chất cấm thì không có ngưỡng cho phép vì thực phẩm mỗi ngày vào một chút, một chút, chưa có bằng chứng khoa học. Đừng để sự việc xảy ra chúng ta mới điều chỉnh thì khổ cho nhân dân. Trong sửa đổi Bộ luật Hình sự lần này, tôi đã kiến nghị Điều 316/BLHS cho rằng khi ảnh hưởng sức khỏe tổn hại 10%-20% mới xử lý vi phạm thì không bao giờ đi vào thực tế.

Ăn chất cấm chỉ chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế. Tôi kiến nghị khi phát hiện chất cấm thì xử lý hình sự, chứ không chờ chết rồi thì mới truy lại. Tại phiên họp Quốc hội tôi cũng đã kiến nghị, đề nghị đưa việc sử dụng chất cấm vào xử lý hình sự. Ví dụ Methadophot được sử dụng trong trồng rau muống, cho rau phát triển, phun xịt, Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong khi Bộ Y tế cho phép vì vậy thời gian tới hai bộ cần có sự thống nhất điều chỉnh cụ thể.

. Xin cám ơn bà.

 

'Ăn chất cấm, chết rồi mới truy xuất thì phi thực tế' ảnh 3
Ông Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an). Ảnh: Đ.TRUNG

“Con số rất đáng giật mình, số người bị bệnh ung thư tăng rất nhanh, số người mắc trung bình hằng năm 150.000-200.000 người và tỉ lệ tử vong do ung thư năm 2014 là 80.000 người. Tỉ lệ chết vì nguyên nhân môi trường, an toàn thực phẩm là 75%, còn di truyền chỉ 5%, các bệnh khác như hô hấp… đang trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng đang ngày càng trở nên báo động”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm